Phản ứng trái chiều trước báo cáo IAEA về Nhà máy Zaporizhzhia

(PLO)- IAEA vừa công bố báo cáo về tình hình Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phía Nga không chấp nhận kết quả vì không xác định bên tấn công nhà máy, trong khi Ukraine hoan nghênh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về hình hình Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại miền Nam Ukraine, quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân nếu các bên tham chiến không kiềm chế.

Nội dung báo cáo nói gì?

Theo báo cáo, nhóm thanh sát viên IAEA đã trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc không kích vào khu vực xung quanh Nhà máy Zaporizhzhia, theo đài CNN. Hành động này gây nhiều thiệt hại và làm trầm trọng thêm lo ngại về nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.

Đoàn thanh sát viên IAEA kiểm tra hư hại do pháo kích trên nóc một tòa nhà ở Nhà máy Zaporizhzhia. Ảnh: CNN

Đoàn thanh sát viên IAEA kiểm tra hư hại do pháo kích trên nóc một tòa nhà ở Nhà máy Zaporizhzhia. Ảnh: CNN

Điển hình như ngày 3-9, nhóm công tác phải sơ tán xuống tầng trệt của tòa nhà điều hành do không kích. Nhóm công tác cũng nhận thấy tình trạng hư hại tại nhiều địa điểm khác nhau như khu vực gần tòa nhà đặt lò phản ứng hạt nhân. Nhân viên nhà máy đang khắc phục thiệt hại nhưng thanh sát viên nhận định cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để sửa chữa toàn bộ khu vực bị hư hại.

Đại diện IAEA quan sát thấy sự hiện diện của các lực lượng Nga, phương tiện và thiết bị của Nga ở nhiều khu vực trong Nhà máy Zaporizhzhia, cùng một nhóm chuyên gia từ Tập đoàn hạt nhân Rosenergoatom của Nga. Các nhân viên và cấp quản lý người Ukraine tại nhà máy cho biết vai trò của nhóm chuyên gia Nga là cố vấn về an toàn hạt nhân, an ninh và vận hành Nhà máy Zaporizhzhia.

Các chuyên gia IAEA cũng ghi nhận rằng nhân viên vận hành nhà máy người Ukraine chỉ được quyền tiếp cận một số khu vực ở trong giới hạn nhất định, do đó có lo ngại họ khó tiếp cận một số khu vực trong trường hợp khẩn cấp. Điều này cản trở nhà máy vận hành hiệu quả. Thời điểm này, IAEA ghi nhận nồng độ bức xạ trong khu vực vẫn ở mức bình thường.

“Trong khi chờ xung đột kết thúc và ổn định trật tự, cần có các biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự cố hạt nhân phát sinh từ những tổn hại do phương tiện quân sự gây ra. Để làm được việc này, cần thiết lập ngay lập tức khu vực phi quân sự bảo vệ an ninh và an toàn quanh nhà máy điện hạt nhân” - báo cáo kết luận. IAEA cho hay cơ quan này sẵn sàng tham gia hỗ trợ cố vấn ngay lập tức để thiết lập khu vực bảo vệ an ninh như vậy.

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và có tổng cộng sáu lò phản ứng. Từ đầu tuần này, bộ phận điều hành đã ngắt kết nối lò phản ứng cuối cùng còn hoạt động với lưới điện, đặt nhà máy vào trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn.

Nga, Ukraine phản ứng trái chiều

Báo cáo của IAEA không làm phía Nga hài lòng. Ngày 6-9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói Nga lấy làm tiếc khi báo cáo không đề cập cụ thể bên phải chịu trách nhiệm không kích Nhà máy Zaporizhzhia là Ukraine, theo hãng thông tấn TASS. Trong khi đó, Ukraine đã nhiều lần tấn công quân sự nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy ngay trong thời gian đoàn thanh sát viên IAEA có mặt, theo ông Nebenzia.

Ông Nebenzia cũng cho rằng đề xuất phi quân sự hóa Nhà máy Zaporizhzhia là “không đủ nghiêm túc”. Ông Nebenzia cho biết việc các lực lượng Nga có mặt chỉ nhằm bảo đảm an ninh cho cơ sở và việc các đơn vị này rút khỏi nhà máy sẽ tạo điều kiện cho Ukraine giành quyền kiểm soát. Mặt khác, Nga “không đặt pháo trong nhà máy mà chỉ có xe tải dùng để chở lính gác” làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản ứng gay gắt hơn và yêu cầu IAEA làm rõ thêm vì báo cáo “có nhiều vấn đề” nhưng không nói rõ vấn đề là gì. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì cáo buộc phương Tây gây “áp lực” lên báo cáo của IAEA.

Trong khi đó, phía Ukraine hoan nghênh báo cáo của IAEA. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kiev ủng hộ biện pháp phi quân sự hóa bảo vệ nhà máy. Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng “các đại diện IAEA cần phải buộc Nga phi quân sự hóa tại Nhà máy Zaporizhzhia và trả quyền kiểm soát hoàn toàn cơ sở này cho Ukraine”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng kêu gọi cả Kiev và Moscow không thực hiện hoạt động quân sự tại khu vực xung quanh nhà máy. Ông muốn Nga và Ukraine phải vượt qua bất đồng, cùng thực hiện các bước để giảm nguy cơ thảm họa hạt nhân, đảm bảo an toàn cho nhân loại.

Các bước cần làm, theo ông Guterres, đầu tiên là các lực lượng Nga và Ukraine cam kết hạn chế hoạt động quân sự trong và xung quanh Nhà máy Zaporizhzhia. Bước thứ hai là ký thỏa thuận về đảm bảo một khu phi quân sự quanh nhà máy. Thỏa thuận này sẽ bao gồm cam kết của các lực lượng Nga về việc rút tất cả quân nhân và thiết bị ra khỏi khu vực phi quân sự. Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng cần cam kết không đưa quân vào nhà máy.•

Nga nêu điều kiện để tham gia thượng đỉnh với Ukraine

Theo đài RT, trả lời phỏng vấn trên tờ Izvestia ngày 6-9, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện tại không có cơ sở nào để tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky để giải quyết những bất đồng. Do đó, trước khi hai ông có thể gặp mặt trực tiếp, quan chức hai nước cần phải đàm phán để thống nhất khung chương trình nghị sự cụ thể. Ông Peskov lưu ý thêm rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang được thực hiện theo đúng kế hoạch và chắc chắn Moscow sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch này.

Các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán hòa bình hiện đang bế tắc khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Tại vòng đàm phán hồi tháng 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại nước này sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm