Pháp: Cực nhọc nghề chạy bàn

Trên toa tàu điện ngầm, mọi người thiu thiu ngủ thì tôi lại đang trang điểm... Tàu đến nơi, tôi bước lên đại lộ Suffren vắng vẻ không một bóng người và đi bộ đến một khách sạn bốn sao nơi tôi đang làm thêm.

Chỉ được bưng một tay

Để vào được nơi làm việc, trước tiên phải qua bộ phận bảo vệ và làm thủ tục chấm công. Giờ là khoảng 6 giờ 15 sáng. Xong đâu đấy, tôi bước xuống nhận quần áo, ở đây là hệ thống tự động: Bạn nhấn vào màn hình cảm ứng để chọn bộ trang phục vừa kích cỡ với bạn, nhanh chóng thay đồ, rồi lên lại tầng trên, nơi có phòng phục vụ điểm tâm của khách sạn.

6 giờ 30. Phòng ăn vẫn chưa có ai nhưng đèn đã mở sáng choang, bàn ghế, chén đĩa đã được sắp xếp ngay ngắn đâu ra đó. Chung quanh tường lắp kính phản chiếu tất cả hình ảnh của bạn và của khách. Tôi không thể nào chịu nổi cái không gian trần trụi đó. Mỗi bữa ăn sáng là 26 euro và giá thuê phòng là từ 500 đến 9.500 euro/đêm, tùy loại phòng.

Ngày đầu tiên đi làm tôi được cô bạn Jasmin làm chung chỉ cho vài “chiêu”:

Không được đặt khay thức ăn lên bàn;

Phải bê khay thức ăn chỉ bằng một cánh tay: Nếu mang ra một lần không hết thì phải mang ra hai lần;

Khi mang ra thức uống nóng thì phải tự mình rót vào tách cho khách;

Vào việc được khoảng 15 phút là cổ tay tôi đã mỏi nhừ. Ba năm làm việc này rồi, tôi đã phải đi chụp đốt sống lưng, chụp MRI đầu gối trái và tập vật lý trị liệu. Giờ tôi phải làm gì nữa để chữa trị cái cổ tay trái này đây? Mấy cô bạn khác làm chung thì nói họ quen rồi nhưng tôi biết là họ có “mẹo” là bê bằng hai tay nhưng khéo léo biết cách giấu cánh tay kia bên dưới chiếc khay. Không biết khách hàng có nhận ra điều này không?

Khi đến phỏng vấn xin việc tại đây, tôi được yêu cầu là phải mang giày gót cao tối thiểu là 3 cm. Tôi không có loại giày đó nhưng sắm thêm thì tốn tiền quá cho nên quyết định mang đại đôi giày mà tôi đang có đã cũ, cao 1 cm. Tôi bỏ ra 2,50 euro để mua một hộp xi ở chợ trời và đánh lại cho đôi giày sáng bóng ra như mới mua. Mà nếu tổ trưởng có hỏi nữa thì tôi phải hỏi lại là tôi không quen mang giày cao và nếu tôi bị trật mắt cá chân thì ai lo cho tôi.

Họ trả cho tôi 10,12 euro/giờ. Đây là lần thứ hai tôi được trả cao hơn mức lương tối thiểu (mà hiện nay là 9,53 euro/giờ) và đây là lần thứ năm tôi thay đổi chỗ làm, các lần trước cũng trong lĩnh vực phục vụ nhà hàng như thế này.

Bỗng nhiên trời đổ mưa nặng hạt. Khu nhận thức uống nóng bị dột, nước nhỏ giọt từ trần nhà. Có ai đó đến đặt chiếc xô hứng nước nhưng nền nhà vẫn bị ướt. Tôi bị trượt ngã. Tôi khiếp sợ cái nền nhà trơn lầy đó nhưng hình như chỉ có tôi là người duy nhất biết… sợ!

Ngay bên cạnh cửa phòng ăn có một chiếc bàn có bánh xe di chuyển mà chúng tôi gọi là “xe buýt”, dùng để dọn dẹp bàn ăn khi khách đã xong bữa nhưng vừa bê một khay thức ăn nặng nề vừa lấy ra những ly tách, đĩa để đặt lên “xe buýt” thì không dễ chút nào. Một hôm, tôi thấy chiếc “xe buýt” còn chỗ trống, tôi đi đến để làm như vậy, không may chiếc khay tôi đang bê bị mất thăng bằng, lật nhào và rơi xuống đất, tất cả ly tách, đĩa bể nát… Văn phòng của quản lý nhà hàng này, chị Alexandra, nằm ngay cạnh bên phòng ăn nên chị ấy nghe được tiếng loảng choảng thủy tinh vỡ, chị ngoái đầu nhìn ra xem chuyện gì rồi thở dài. Thế thôi!

Tôi đi tìm cây chổi, chẳng ai biết nó nằm ở đâu nữa. Anh Hugh làm ở khâu pha chế bảo tôi vào mượn ở khâu phục vụ phòng. Cuối cùng thì cũng tìm được cây chổi, tôi gom mấy mảnh vỡ lại để hốt, giờ thì phải tìm miếng giẻ để lau sạch cho nền nhà khỏi bị trơn trượt. Phòng ăn ngày càng đông khách và bên trong quầy thì ôi thôi, bề bộn, lộn xộn. Mặc kệ! Tôi lấy đại chiếc khăn trải bàn dơ làm giẻ lau vậy. Có cần phải viết vài dòng chữ treo lên để mọi người chú ý nền nhà còn ướt không. Cũng mặc kệ, chắc không ai ngớ ngẩn giẫm lên đây đâu. Hy vọng là vậy!

Đi lại không ngừng

Số nhân viên chạy bàn ở đây dao động từ 14 đến 20 người tùy theo số khách đặt ăn sáng mỗi ngày, trong đó 30% là làm việc theo “Hợp đồng lao động vô thời hạn” và đa số nhân viên phục vụ phòng ăn là những người làm thêm ngoài giờ, với độ tuổi trên 40 hoặc dưới 25. Đa số là người nhập cư nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, nào là người đến từ Ý, Tunisia, Algeria, Sri Lanka, Trung Quốc, Sénégal, Togo, Ấn Độ, Macedonia, Iran, v.v... Còn những người cao niên nhất chủ yếu là người Pháp.

Ở đây có anh bạn Quentin đã có được bằng master của Trường Đào tạo quản lý khách sạn và du lịch Vatel tại Paris, vốn có chi phí ít nhất là 9.000 euro/năm, tức khoảng 45.000 euro cho năm năm học. Có chị Haïdé là sếp, người gốc Mexico, đã có bằng master tại Mexico và cũng đã theo học tại Học viện marketing cao cấp của tổ chức Cartier, với học phí 14.000 euro/năm. Tôi nghĩ mình chắc không thể làm được như vậy khi phải vừa chạy bàn vừa tính chuyện trèo cao trong học vấn. Chắc là phải chạy bàn suốt đời hoặc nghỉ việc mà thôi.

9 giờ 30. Khách bắt đầu vào chật ních phòng điểm tâm. Cô bạn đồng nghiệp Amélie than phiền đang bị đau chân. Hôm qua, cô ấy không phải đi lại nhiều vì được phân công ở khâu “buồng”. Hôm nay, lại là chuyện khác. Làm ở phòng điểm tâm này là phải đi lại không ngừng, phải bưng bê và dọn dẹp. Tôi hỏi cô bạn có ổn không khi thấy gót chân cô sưng phồng và ửng đỏ. Cô bạn chỉ cười và đáp “không sao cả”. Tôi chắc là cô cười gượng thôi.

13 giờ 15. Cuối cùng thì cũng xong việc... Tôi gật gà gật gưỡng trên tàu điện ngầm trên đường về nhà.

NGỌC TÙNG (Theo Rue89)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới