ĐBSCL được coi là vựa lúa, vựa trái cây và vùng nguyên liệu trù phú về thủy hải sản nhưng hạ tầng giao thông - không chỉ cao tốc mà đường bộ, hàng không, đường thủy đều chưa phát triển tương xứng. Điều này gây ra nhiều trở lực trong thông thương hàng hóa, kết nối với TP.HCM và các vùng miền khác, tạo nên điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.
Chính vì thế, lãnh đạo các tỉnh, TP vùng ĐBSCL qua các thời kỳ luôn đau đáu với câu chuyện kết nối hạ tầng giao thông cho địa phương, kết nối nội vùng, liên vùng và thậm chí là liên vận quốc tế.
Trước đòi hỏi đó, cùng với những tờ báo khác, Pháp Luật TP.HCM đã vào cuộc, liên tục có những vệt thông tin phản ánh những đòi hỏi cấp thiết về hạ tầng giao thông với mong mỏi nhanh chóng có những quyết sách, ưu tiên bố trí nguồn lực sớm hơn để tháo gỡ điểm nghẽn rất lớn này. Từ đó, báo đã góp thêm tiếng nói nhằm xóa bỏ “Nỗi khổ mang tên con đường độc đạo”, khắc phục tình trạng “Thiếu dự án kết nối TP.HCM với miền Tây”.
Có thể nói những tuyến thông tin phản ánh, phân tích, kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành, báo chí, trong đó có những vệt bài về hạ tầng giao thông của Pháp Luật TP.HCM bước đầu đã tạo ra những lan tỏa, hiệu ứng. Những dự án cao tốc trục ngang: Châu Đốc - Long Xuyên - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đang được ưu tiên đầu tư sớm chứ không để lại sau năm 2030. Hay như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang xúc tiến nhanh để sớm khởi công, cầu Mỹ Thuận 2 phần đường dẫn hai đầu cầu đã khởi công. Cùng đó, những cây cầu lớn kết nối miền Tây đang xúc tiến nhanh như Rạch Miễu 2, Đại Ngãi, Châu Đốc…
Không chỉ về hạ tầng giao thông, những thời sự bức thiết của vùng đồng bằng như hạn mặn, sạt lở cũng được phóng viên ghi nhận và chuyển tải bằng những câu chuyện, hình ảnh chân thực. Có thể kể đến vệt thông tin như “Hạn mặn khốc liệt, những giải pháp then chốt”, “Dòng nước ngọt giải cứu cơn hạn mặn”, “Mắt thấy tai nghe chuyện miền Tây khát nước mùa hạn mặn”… đã góp thêm tiếng nói tìm kiếm giải pháp giúp người dân đồng bằng hạn chế những thiệt hại, tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong suốt thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM cũng luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nhân làm ăn chân chính. Chúng tôi đã góp thêm tiếng nói để tháo gỡ chuyện “Doanh nghiệp kêu cứu vì “lệnh cấm vận” lạ”; trợ lực cho doanh nghiệp với hàng trăm lao động gặp khó khăn khi bị đối tác “treo nợ” gần 60 tỉ đồng mà chậm chuyển trả…
Báo cũng là địa chỉ tin cậy được tìm đến của nhiều trường hợp bị oan sai. Từ những đấu tranh pháp lý của báo, nhiều trường hợp đã được giải oan, công khai xin lỗi…
* * *
15 năm đặt văn phòng đại diện tại Cần Thơ để đảm trách thông tin toàn vùng ĐBSCL là một hành trình không dài nhưng đội ngũ Pháp Luật TP.HCM tại đây đã luôn cố gắng hết mình để trở thành người đồng hành, sẻ chia với các cấp chính quyền; bảo vệ lợi ích của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để phụng sự tốt hơn nữa cho bạn đọc, góp phần nhiều hơn vào sự phát triển của toàn vùng.