Liên quan đến sự việc ông HQM (61 tuổi, quê Sóc Trăng) bị hai thanh niên giật điện thoại, ngã xuống đường tử vong khi đang lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt (đoạn thuộc địa bàn phường 14, quận 10, TP.HCM) vào tối 15-4, Công an quận 10, TP.HCM xác định kẻ cướp đã dùng bình xịt hơi cay tấn công nạn nhân.
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ đối với hành vi trên và thắc mắc những người này sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện trường vụ án. Ảnh: NGUYỄN TÂN
ThS-Luật sư Nguyễn Văn Dũ nhận định: Với chừng ấy thông tin ban đầu thì chưa đủ cơ sở chắc chắn để xác định hai đối tượng phạm tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS 2015) hay tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS 2015). Vậy nên, có hai khả năng có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, trường hợp hai đối tượng xịt hơi cay nạn nhân trước (hoặc trong khi giật điện thoại của nạn nhân) thì hành vi đó cấu thành tội cướp tài sản. Vì:
Điều 168 BLHS quy định và mô tả tội cướp tài sản như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù…".
Hành động xịt hơi cay nạn nhân trước hoặc trong khi giật điện thoại (chưa giật được) được xác định là hành vi dùng vũ lực tấn công nạn nhân và mục đích chiếm đoạt điện thoại thì đã rõ.
“Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức nên dù không giật được, không chiếm đoạt được tài sản vẫn cấu thành tội phạm”, Th.S-LS Nguyễn Văn Dũ nói.
Thứ hai, trường hợp sau khi đã giật được điện thoại, các đối tượng mới xịt hơi cay nạn nhân để không cản trở chúng tẩu thoát thì chuỗi hành vi đó cấu thành tội cướp giật tài sản. Vì:
Điều 171 BLHS chỉ quy định tội cướp giật tài sản một cách chung chung, không mô tả hành vi khách quan và ý thức chủ quan. Tuy nhiên, quan điểm khoa học luật hình sự được chấp nhận giải thích về cấu thành tội này như sau:
Người phạm tội tiếp cận tài sản (có thể dùng thủ đoạn để tiếp cận hoặc tiếp cận một cách bình thường); sau khi tiếp cận được thì cầm, giữ tài sản... của người bị hại và nhanh chóng tẩu thoát (để tránh khỏi sự quản lý, cản trở của người bị hại) nhằm chiếm đoạt tài sản đó.
Trong cấu thành tội cướp giật tài sản có trường hợp người phạm tội dùng vũ lực (hành hung để tẩu thoát, quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 171 BLHS).
Việc dùng vũ lực trong trường hợp này của người phạm tội nhằm mục đích tẩu thoát sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, khác với hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản trong tội cướp tài sản (như đã phân tích ở trên).
Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Văn Dũ lên án mạnh mẽ hành vi của nhóm đối tượng và mong muốn cơ quan công an sớm bắt được những người này. Ảnh: MINH CHUNG
“Như vậy, cần đợi kết quả điều tra xác định thời điểm các đối tượng xịt hơi cay nạn nhân, phản ứng phòng vệ của nạn nhân ra sao để định tội danh được chính xác”, Thạc sỹ - Luật sư Nguyễn Văn Dũ nêu quan điểm.
Cũng theo ông Dũ, đối với hậu quả ông M. chết, khó truy cứu các đối tượng thêm tội giết người, mà hậu quả chết người này chỉ có thể là tình tiết định khung của tội cướp tài sản (điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS) hoặc tội cướp giật tài sản (điểm c khoản 4 Điều 171 BLHS).
Có điều, khung hình phạt cho cả hai tội danh (cướp tài sản và cướp giật tài sản) có hậu quả chết người nêu trên đều đến mức án cao nhất là chung thân.