3 góp ý về văn bản pháp lý để chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước ngày 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia góp ý nên thay thế các văn bản liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chống dịch mới này. Báo Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu những góp ý tâm huyết này.

Các văn bản mang tính chất chỉ đạo, điều hành… cũng như các quyết định của Bộ Y tế về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh để áp dụng vào thực tiễn trước đây đều hướng đến mục tiêu đưa số ca nhiễm COVID-19 về 0 (zero COVID-19). Nay, với quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, thiết nghĩ các văn bản pháp lý nói trên đã không còn phù hợp nữa.

Người dân quét mã QR qua camera khi lưu thông qua chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Những văn bản pháp lý liên quan chống dịch
Tại Việt Nam, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 121 ngày 23-1-2020 về việc phòng, chống dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Liên tiếp các ngày 28-1-2020, 30-1-2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05, 06, trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch.
Ngày 1-2-2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 173 về việc công bố đại dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.
Đến ngày 27-3-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 15 và ngày 31-3-2020 ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp theo, ngày 1-4-2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 447 về việc công bố dịch COVID-19 trong phạm vi toàn quốc…
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 3979 và Quyết định 3989 về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Ngoài ra, để ngăn chặn, phòng ngừa, răn đe các vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đã ban hành Công văn số 45 ngày 30-3-2020 hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cạnh đó, tại các địa phương, tùy vào tình hình thực tế cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế cần rà soát và ban hành các quyết định nhằm điều chỉnh các biện pháp y tế phù hợp để có thể thực hiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 cũng như nâng cao năng lực của hệ thống y tế… 
Thay đổi chiến lược chống dịch
Nhìn chung, nội dung các văn bản trên chủ yếu là các biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau để kiểm soát và loại trừ dịch bệnh, với mục tiêu hướng đến là ZERO COVID.
Bên cạnh những kết quả đạt được - nhất là kết quả khống chế dịch ở ba đợt dịch ban đầu, những giải pháp chống dịch cũng đồng thời để lại hệ quả không mong đợi - nhất là ở đợt dịch từ tháng 4 đến nay.
Tuy nhiên, với các biến thể có khả năng lây lan nhanh như Delta đã khiến mục tiêu ZERO COVID không thể được thực hiện thành công, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh giãn cách, phong tỏa lâu dài…
Do đó, hiện nay đa phần các quốc gia đã thay đổi chiến lược từ ZERO COVID sang sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.
Theo đó, các quốc gia đã thay đổi từ cách thức cách ly, khoanh vùng, loại trừ nguồn lây nhiễm sang các biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát các ổ dịch lớn, bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đẩy mạnh tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng cũng như duy trì hệ thống y tế hoạt động hiệu quả. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là giảm tỷ lệ tử vong song song với việc nâng cao ý thức của người dân, tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách cùng các biện pháp nâng cao sức khỏe, tinh thần và phát triển kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân.
Dựa trên bối cảnh thực tế hiện nay của Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Cần có văn bản pháp lý thay thế Chỉ thị 15, Chỉ thị 16...
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả mục tiêu này đòi hỏi cần có sự sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan nhằm tạo cơ sở để thực thi công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, tôi xin góp ý về ba vấn đề chính sau:
(i) Trước hết, Nhà nước cần ban hành văn bản để thay thế các quy định của Chỉ thị 15, 16..., đồng thời xác định rõ các nguyên tắc, điều kiện để một địa phương, khu vực được xem là đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp.
Cạnh đó, Chính phủ cần có những quyết sách cụ thể chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhằm duy trì hệ thống y tế hiệu quả, nâng cao sức khỏe, tinh thần và phúc lợi xã hội cho người dân song song với phát triển kinh tế, xã hội.
Theo tôi, bên cạnh việc ban hành Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19, Nhà nước cần ban hành văn bản pháp lý thể hiện rõ mục tiêu, chính sách ứng phó của Việt Nam với dịch bệnh.
(ii) Đối với Bộ Y tế: Cần rà soát và ban hành các quyết định nhằm điều chỉnh các biện pháp y tế phù hợp để có thể thực hiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 cũng như nâng cao năng lực của hệ thống y tế…
Điều này sẽ giúp người dân hiểu đúng về virus SARS-CoV-2 và sẵn sàng thích ứng an toàn với nó. Qua đó, chúng ta sẽ giảm tối đa số người phải nhập viện điều trị và số tử vong vì COVID-19.
(iii) UBND các tỉnh, thành: Tùy tình hình thực tế của địa phương để ban hành các văn bản dưới hình thức quyết định hoặc các văn bản áp dụng để triển khai, thực thi các quyết định của cấp trên phù hợp và hiệu quả với địa phương của mình để thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Các văn bản chống dịch trước đây đã lỗi thời
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam và mọi mặt của đời sống xã hội. Ngay từ khi dịch bùng phát, Chính phủ đã có những văn bản để chỉ đạo, điều hành kịp thời các hoạt động để thích ứng với từng giai đoạn tình hình dịch bệnh cụ thể.
Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều văn bản được ban hành, trọng tâm là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm đẩy lùi, chấm dứt dịch bệnh. Nhìn chung, các văn bản cùng với các hành động quyết liệt, kịp thời của Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị xã hội, toàn dân, đã góp phần quan trọng trong công cuộc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, mô hình chống dịch của Việt Nam đã chuyển từ “ZERO COVID” sang “thích ứng an toàn với dịch” như Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã thống nhất mới đây.
Điều này đã đặt ra vấn đề pháp lý là phải thay đổi các văn bản đã ban hành trong giai đoạn trước làm cơ sở để thực thi các biện pháp mới phù hợp với mô hình mới. Sự thay đổi này là cần thiết bởi đại dịch đã diễn tiến theo nhiều tình huống mà trước đây pháp luật chưa dự liệu hết được và vì vậy, chưa đưa ra giải pháp điều chỉnh phù hợp. Việc thay đổi các văn bản pháp lý còn là cơ sở để các địa phương có được định hướng để ban hành chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương mình.
Về quy trình thay đổi, trước hết cần tuân thủ các quy định điều chỉnh việc ban hành, sửa đổi hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật mà trọng tâm là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020)… Cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả áp dụng trên thực tế, phù hợp với tình hình thực tiễn, việc xây dựng dự thảo văn bản cần có sự tham gia đóng góp từ các địa phương, các bộ ngành liên quan…
Các ý kiến của chuyên gia cũng cần được tiếp thu, nghiên cứu nghêm túc. Và trong quá trình thực hiện, cần kịp thời tổng kết, đánh giá, dự báo được các tình huống có yếu tố mới phát sinh từ thực tiễn để nhanh chóng điều chỉnh văn bản cho phù hợp.
PGS-TS BÀNH QUỐC TUẤN, Viện Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Thủ Dầu Một

3 góp ý về văn bản pháp lý để chống dịch ảnh 2
Thăm khám F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cân nhắc kỹ về điều kiện an toàn lẫn pháp lý

Cho đến thời điểm này, có thể thấy giải pháp dập dịch triệt để để đưa về zero số ca nhiễm COVID-19 như trước đây là quá tốn kém, mất rất nhiều thời gian và cũng rất khó để thực hiện thành công.
Vì thế, giải pháp “thích ứng an toàn với dịch” mà Thủ tướng kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước ngày 25-9 đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ cả về điều kiện an toàn lẫn các điều kiện pháp lý.
Đối với điều kiện an toàn, cơ quan y tế phải đóng vai trò then chốt, trong đó cần xác định các tiêu chí để cấp “thẻ xanh COVID” cho người dân đến các nơi công cộng. Đồng thời, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp không đủ điều kiện mà vẫn đến những nơi đông người…
Về pháp lý, hiện nay cơ bản các quy định về phòng chống dịch vẫn đang hướng đến kiểm soát dịch triệt để với mục tiêu ZERO COVID. Do vậy, để chuyển sang “sống chung an toàn với dịch” thì Chính phủ và Bộ Y tế cần điều chỉnh các quy định về chống dịch.
TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm