Chính vì cách thức quy định khác nhau này mà tạo ra thực tế là việc vận dụng các biện pháp này khác nhau, có khi thì rất chặt, thậm chí bị lạm dụng nhưng có khi lại quá lỏng.
Tại Điều 114 BLTTDS quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó có biện pháp: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Biện pháp này được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để đảm bảo việc thi hành án.
Trong khi tại Điều 109 BLTTHS quy định về các biện pháp ngăn chặn thì lại khác. Cụ thể, điều luật quy định: Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Cần lưu ý rằng biện pháp cấm đi khởi nơi cư trú (Điều 123 BLTTHS 2015) và tạm hoãn xuất cảnh khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn (Điều 124 BLTTHS 2015) là hai biện pháp áp dụng độc lập với nhau.
Bà Đào Thị Hương Lan - người đã bỏ trốn (trái) và Vũ “nhôm” - người từng trốn ra nước ngoài. Ảnh: BCA - HOÀNG GIANG
Dễ dàng nhận thấy rằng tại hai điều luật của hai BLTTDS và BLTTHS đã có sự khác nhau về cách sử dụng các thuật ngữ pháp lý. Theo đó, BLTTDS sử dụng thuật ngữ “cấm xuất cảnh” và BLTTHS thì sử dụng “tạm hoãn xuất cảnh”. Từ việc sử dụng thuật ngữ có sự khác biệt của hai bộ luật cho thấy tính chất, mức độ sẽ ảnh hưởng đến đối tượng tác động cũng khác nhau.
Đối với biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, có thể áp dụng đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; bị can, bị cáo.
Trong BLTTDS quy định “cấm xuất cảnh đối với với người có nghĩa vụ” nhiều lúc trên thực tế lại thực sự chưa cần thiết, có thể bị lạm dụng. Chẳng hạn có trường hợp lãnh đạo của một doanh nghiệp có nhiều tài sản nhưng khi bị kiện ra tòa, nguyên đơn đề nghị tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm xuất cảnh. Tài sản ở Việt Nam của họ đôi khi còn nhiều so với số tài sản bị kiện và dư sức để đảm bảo thi hành án (nếu có). Nhưng họ phải đi gặp gỡ các đối tác ở nước ngoài để hợp tác làm ăn thì bị vướng lệnh cấm xuất cảnh, như vậy là không hợp lý. Việc cấm xuất cảnh này vô hình trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển làm ăn của doanh nghiệp chỉ vì lệnh cấm xuất cảnh trên quá mức cần thiết.
Chúng ta có thể thấy còn nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật và ngay cả trong việc áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều nhận thức khác nhau của những người tiến hành tố tụng dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác nhau.
Luật sư - TS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM