Canh bạc lấy chồng ngoại - Bài 1: Nuôi mộng rồi... vỡ mộng!

LTS: Thời gian qua, nhiều cô gái miền Tây đua nhau lấy chồng ngoại, mà chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc. Bên cạnh những cô gặp được tấm chồng như ý, có không ít cô phải tìm cách bỏ về nước sau vài tháng kết hôn, thậm chí có người phải ly hôn ngay sau tuần trăng mật.

Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu lát cắt nhỏ về tình trạng này cùng những hệ lụy của nó sau những gãy đổ của các cuộc hôn nhân ngoại.

Những ngày cuối năm 2019, phòng tiếp nhận hồ sơ giải quyết tranh chấp về ly hôn có yếu tố nước ngoài (gọi tắt là ly hôn nước ngoài) của TAND TP Cần Thơ khá nhộn nhịp. Bình quân mỗi ngày có vài cô gái trẻ, xinh đẹp tới xin được hướng dẫn nộp đơn ly hôn. Những câu chuyện họ kể lại là những bài học đầy thấm thía và buồn khắc khoải.

Cuộc sống bí bách như “cá chậu, chim lồng”

TTN kể: “Hồi xưa gia đình rất cực khổ nên quyết định thắng thua là đi nước ngoài để vớt vát được chút nào hay chút đó để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, mỗi người có một số phận. Từ khi em đi lấy chồng, em vẫn chưa giúp được gì cho gia đình cả. Và sau bốn năm lấy chồng, em mới thấy sống cuộc sống như em đã chọn ở nơi xứ người như vậy thì em ở Việt Nam tốt hơn!”.

Năm 2015, khi đó N. 28 tuổi, quyết định “đi chào đoàn” (ra mắt) để kiếm tấm chồng nước ngoài theo ước nguyện của gia đình. Chồng của N. là người Đài Loan, hơn cô 21 tuổi. N. luôn tâm niệm cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng ở bên nhà chồng để sau này có quốc tịch… Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác với những dự định của N.

Mẹ chồng N. là một người nghiện bùa ngải nên rất sợ bị con dâu bỏ bùa vào thức ăn để hại mình, chiếm giữ gia sản. Không những vậy, bà còn làm bùa nước rải trong phòng con dâu, để trong các chai nước cho con dâu uống. Còn chồng N. là con trai cưng, thường quấn quýt bên mẹ. Hồi chưa có vợ thì đi đâu cũng có hai mẹ con (vì những người con khác ra ở riêng), làm việc gì cũng phải hỏi mẹ, hỏi chị xem có đồng ý không. Mỗi khi N. muốn có thời gian riêng tư bên chồng cũng bị mẹ chồng khó chịu ra mặt.

“Có lần hai vợ chồng cùng ngồi xem phim trong phòng riêng thì mẹ chồng vào nói chồng em đi mua một món ăn gì đó cho bà. Rồi có hôm chồng vừa đi làm về, em ra mở cửa thì chồng ôm em một cái, ngay lúc ấy mẹ chồng nhìn thấy, không nói gì nhưng em thấy bà đóng cửa nghe rầm một cái… Có lần phát hiện mẹ chồng cho mình uống nước bùa thì em không uống mà em đưa cho chồng em uống. Ổng uống xong hỏi em nước bùa của mẹ hả và đi ra hỏi mẹ ổng sao cho em uống nước bùa. Khi biết con mình uống nước bùa thì má chồng em lại lấy quần áo của má với của chồng em ra đốt và khấn vái quá trời…” - N. kể.

Một cô gái đến tòa để được hướng dẫn làm đơn xin ly hôn với chồng nước ngoài. Ảnh: NHẪN NAM

Mẹ chồng dè chừng con dâu

Trước nhà mẹ chồng có cái sân, N. muốn ra ngoài hóng gió trời, nhìn người này người kia cũng không được vì mẹ chồng sợ em ra ngoài rồi trốn đi. N. nói đó là lý do vì sao mà qua đó ở bốn năm mà tiếng Đài Loan N. vẫn không rành, không có tiếp xúc với ai.

“Đã vậy, chồng còn nói em không biết đẻ con với không biết chăm sóc má chồng. Ổng thì em thấy không tốt nhưng cũng không xấu. Thời gian riêng cho nhau còn khó nói chi đến đẻ con. Còn nấu ăn thì em vẫn nấu nhưng má chồng sợ em bỏ bùa nên bả không ăn. Nói nào ngay, lúc em mới sang nấu ăn thì bả ăn bình thường, sau đó mấy tháng bả nghe hàng xóm nói gì đó nên về tự động không ăn đồ ăn em nấu…” - N. tâm sự.

Về chuyện ăn uống, N. kể có khi cả tháng trời chỉ ăn một loại rau triền miên. Ví dụ như mua rau bắp cải, gia đình sẽ mua tầm chục cái. Bắp cải rất to mà nhà có ba người ăn nên ăn rất nhiều thì cũng phải một ngày mới hết một cái. Nay bắp cải luộc thì mai xào, mốt nấu canh… chứ không có chuyện ăn mỗi bữa một loại rau như ở quê nhà.

Vậy là N. nói rõ ý định muốn ly hôn với chồng nhưng chồng cô dường như không chịu nên kêu N. trở lại, hứa sẽ đối xử tốt hơn hoặc chờ đến khi người mẹ trăm tuổi già sẽ qua Việt Nam sống với N. Tuy nhiên, N. thấy cả hai việc đó đều không khả thi nên quyết định ra tòa xin ly hôn.

Rạn vỡ ngay sau tuần trăng mật

Thấy các chị em họ lấy chồng Hàn Quốc cũng hạnh phúc, lại giúp được gia đình nên HP cũng mong lấy chồng Hàn để giúp gia đình mình và có điều kiện thì bảo lãnh cha mẹ qua Hàn để tìm việc làm thêm.

Học đến lớp 11, P. thấy gia đình khó khăn nên xin cha mẹ cho nghỉ. Nhờ mai mối của chị họ nên mới 19 tuổi, P. đã quyết định lấy người chồng hơn mình 29 tuổi. Sau đám cưới, hai vợ chồng P. đi hưởng tuần trăng mật năm ngày.

“Đi chơi trăng mật mà ổng bắt bẻ em đủ thứ, kêu em phải quan tâm chuyện vợ chồng nhiều hơn. Em cũng ráng làm theo nhưng hình như không vừa ý ổng. Lúc đầu ở bên ổng thì em cũng có cảm giác ổng là chồng của mình nhưng qua ngày hôm sau, nghe ổng bắt bẻ này kia thì em không còn cảm giác đó nữa. Đi ăn hay đi chơi gì ổng cũng nhắc em chuyện đó” - P. kể.

Sau kỳ nghỉ trăng mật về thì chồng P. trở về Hàn Quốc, P. ở lại chờ visa, chả ai nói với ai câu gì dù là qua điện thoại. P. nhắn tin cho chồng hỏi visa nhưng chồng không trả lời, phải gọi thì chồng cô mới bảo cứ chờ đi. Sau đó, chồng P. quay lại Việt Nam, nói cho P. một tháng để suy nghĩ lại. Tuy nhiên, khi chồng P. về nước thì cả hai cũng chẳng hỏi thăm nhau được chuyện gì. Chờ visa lâu, P. trực tiếp hỏi lãnh sự quán thì được biết chồng cô chặn visa không cho cô qua Hàn Quốc.

Lấy chồng vì muốn được qua bên nước của chồng định cư mà nay lại bị chặn như vậy nên P. quyết định ly hôn. Giờ nghĩ lại, P. tự nhận thấy bài học rút ra là “mình cần tìm hiểu kỹ, hai bên hợp nhau thì mới tiến tới. Còn em thì lúc đó có nói chuyện tìm hiểu nhưng chưa hiểu kỹ về nhau. Hai người lúc ấy cũng có thời gian 5-6 tháng để tìm hiểu nhưng em mới lớn nên cũng ngại trao đổi về chuyện vợ chồng. Tính ra, từ lúc cưới cho đến lúc quyết định ly hôn chỉ có khoảng hai tháng thôi” - P. nói.

“Em muốn đổi đời mà đời đổi ngược lại em!”

TC 27 tuổi, lấy chồng Đài Loan hơn cô một tuổi do chị họ giới thiệu. Nhà chồng C. có trang trại nuôi heo cả ngàn con nhưng chỉ có mẹ chồng và chồng C. làm, vì em gái thì đi học, cha thì mất sớm. C. qua làm dâu đương nhiên phải tiếp gia đình trong việc chăn nuôi đàn heo.

“Nói chung gia đình chồng cũng tốt, chỉ có điều cực quá em chịu không nổi. Lúc chưa cưới thì em cũng biết gia đình có chăn nuôi nhưng không nói em phải phụ giúp. Em ly hôn vì làm cực quá, chịu không nổi” - C. bộc bạch.

. Vì sao em muốn lấy chồng nước ngoài?

+ Em hả, lúc đầu em chỉ muốn thay đổi cuộc sống thôi. Tuy nhiên, em không thay đổi được cuộc sống mà cuộc sống thay đổi em luôn! Hồi đó, bà chị giới thiệu, mẹ em ngồi bên hỏi được không, không lẽ em ngồi đó mà nói thẳng mặt  chồng (tương lai)  không được?! Vậy là đám cưới diễn ra…

. Em qua bên Đài Loan được bao lâu thì về?

+ Em mới qua có một tháng thôi chứ cực quá mà!

. Em có ý định lấy chồng nước ngoài nữa không?

 + Có, vẫn không từ bỏ! Làm sao được đổi đời thì thôi! (Cười)

Chỉ cần bảo lãnh cho cha mẹ đi Hàn Quốc!

Cuối tháng 9-2019 NM (SN 2.000) kết hôn với ông Lee ChangHo (SN 1975), người Hàn Quốc. Tháng 12-2019, M. đến tòa xin nộp đơn ly hôn với ông Lee ChangHo với lời nhận xét: “Bình thường ổng cũng được lắm, ổng êm lắm mà khi ổng uống rượu vô thì ổng nạt em này kia. Ổng thương em nhưng ổng lớn tuổi hơn em, cái tính ổng ghen em không chịu được. Cưới xong ổng bắt em ở luôn trên đoàn học tiếng, cuối tuần em muốn về thăm cha mẹ cũng không cho. Em cũng ráng chịu lắm, nói với mai mối thì ổng xin lỗi, hứa sửa nhưng tính nào tật nấy…”.

M. cho biết cha mẹ chỉ muốn cô lấy chồng Hàn Quốc nên ly hôn lần này xong thì cô lại tiếp tục tìm người chồng Hàn Quốc khác. Suy nghĩ của cha mẹ M. là “em với chồng sống sao không quan tâm, chỉ cần em qua bên đó rồi thì bảo lãnh ông bà ấy (cha mẹ M.) qua làm mướn vì tiền ở bên đó có giá trị hơn ở Việt Nam” (!?). 

___________________________

Kỳ sau: Chuyện của cô dâu trở về  từ "miền đất hứa"

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm