Chính quyền ra tay là dẹp được ngay nạn karaoke tra tấn

Không ai cấm hát karaoke vì đó là quyền công dân. Nhưng một khi quyền của mình tra tấn cái lỗ nhĩ của hàng xóm, của cộng đồng dân cư - tức ảnh hưởng đến quyền của người khác - thì anh đã đi quá giới hạn quyền của mình. Vấn nạn karaoke tra tấn bắt nguồn từ đây. Vậy trị vấn nạn này được không? Được, nếu chính quyền quyết tâm ra tay…

Nhiều nơi ở TP.HCM, người dân đang sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke ngoài trời với âm thanh đinh tai nhức óc. Ảnh: TỰ SANG

Nhà tôi ở phường 11, quận 6, TP.HCM. Cũng như bao nhiêu gia đình khác ở TP này, gia đình tôi đã từng có những ngày chịu trận vì tiếng ồn karaoke của hàng xóm.
Một lần, sau khi chịu hết nổi tiếng ồn karaoke của hàng xóm kéo dài liên tục từ trưa cho đến tối, tôi đã nhắn tin phản ánh lên nhóm (group) Zalo của khu dân cư. Đồng thời, trong trang phục chỉnh tề, tôi đến nơi mọi người đang hát say sưa nhắc họ làm ơn ngừng hát để con nhỏ của tôi được ngủ.
Vừa về đến nhà, anh cảnh sát khu vực gọi điện thoại cho tôi nói rằng đã nhận tin nhắn trong nhóm Zalo, đã cho tổ trưởng khu phố đi xác minh và có nhắc nhở gia đình kia rồi. Anh cảnh sát khu vực cũng mong tôi thông cảm và giải thích cái khó rằng lúc đó mới 9 giờ đêm chứ chưa đến 10 giờ nên chỉ nhắc nhở chứ không thể xử phạt được. Tiếng ồn sau đó im bặt, từ đó về sau gia đình đó cũng không còn hát lớn tiếng nữa.
Hôm đó, đứa cháu gái ở cùng nhà vừa thấy tôi đi về đã hốt hoảng la lên: “Sao dì gan vậy? Dì không sợ bị người ta xử hả?”.
Nỗi lo lắng của cháu tôi không phải là không có cơ sở. Thực tế đã có không ít án mạng xảy ra vì nhắc nhở tiếng ồn karaoke.
Trong số các email gửi đến báo phản ánh về tiếng ồn karaoke, tôi nhớ nhất một lá thư của em nhỏ lớp 6 ở quận Bình Thạnh. Em viết rằng đêm nào hàng xóm cũng hát karaoke khiến em không thể tập trung học bài được, sức học sa sút. “Các cô chú có cách nào giúp con có được không gian yên tĩnh để học bài!?” - một câu hỏi nhói lòng từ mầm non tương lai của đất nước.

Từ phương tiện giải trí lành mạnh, karaoke kẹo kéo trở thành thứ tra tấn con người đinh tai nhức óc khắp ngõ cùng quê...

 Từng có một số người thắc mắc tại sao các cơ sở kinh doanh karaoke phải đáp ứng quy định cách âm, trong khi các loa kéo ở khu dân cư thì vẫn cứ ầm vang suốt ngày mà vẫn không sao?
Thật ra thì quy định xử phạt đã có đủ.
Theo Nghị định 167/2013, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Còn Nghị định 155/2016 cũng nêu rõ phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn bất kể giờ giấc nào. Trong Nghị định 155/2016 này, từng mức độ tiếng ồn vượt chuẩn kèm mức chế tài được nêu rất chi tiết, tiếng ồn càng lớn thì mức phạt càng cao.
Thực tế là hát karaoke sau 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sáu thì dễ xử phạt, theo Nghị định 167. Riêng những người hát karaoke gây ảnh hưởng tới người khác vào các thời điểm còn lại trong ngày, muốn xử phạt họ thì phải đo được tiếng ồn, nếu vượt chuẩn thì mới xử phạt được. Tuy nhiên, để đo được tiếng ồn thì phường, quận phải mời đơn vị có nghiệp vụ xuống hiện trường đo; có khi đến nơi thì tiệc đã tàn, tiếng đã tắt.
Chính vì điều này nên bao lâu nay các phường, xã luôn kêu khó trong việc xử lý tiếng ồn phát ra từ karaoke.
Khó không có nghĩa là bó tay. Thường thì trong một khu dân cư, người dân có thể chỉ điểm được bao nhiêu nhà thường xuyên hát karaoke lớn tiếng, quanh năm suốt tháng vẫn chỉ bấy nhiêu nhà đó hát chứ không phải tất cả hộ dân đều hát. Chúng ta không thể cấm hoạt động giải trí của người dân nhưng một khi hoạt động đó gây ảnh hưởng đến người khác thì cần sự có mặt thường xuyên của chính quyền (nhất là công an) để nhắc nhở. 
Trong khi chờ các sở, ngành khắc phục những vướng mắc về phương tiện đo độ ồn, nhân lực đo tiếng ồn…, tôi tin rằng sự có mặt ngay từ đầu của chính quyền sẽ là một giải pháp hiệu quả, tránh những mâu thuẫn xung đột gay gắt xảy ra. Trường hợp của chính tôi đã nêu ngay từ đầu là một ví dụ. 
Chủ tịch UBND chỉ đạo xử lý nạn karaoke tự phát
Sau phản ánh của báo chí về “hung thần” karaoke tự phát, ngày 26-2 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có công văn chỉ đạo người đứng đầu các sở ban ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn.
Theo đó, ông Phong giao giám đốc Công an TP.HCM tiếp tục chỉ đạo công an TP Thủ Đức và công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý hiệu quả các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn quản lý
Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các ủy viên UBND TP, giám đốc Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với giám đốc các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho chủ tịch TP.HCM các giải pháp xử lý tiếng ồn, như: nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nhóm giải pháp về tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Các giải pháp này phải trình chủ tịch UBND TP trước ngày 31-3-2021...

TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm