Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 20 bị can. Trong đó có ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT, đang chấp hành án trong vụ án khác), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT)…
Liên quan tới vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng) bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ mưu cầm đầu cùng 12 đồng phạm và tội lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Hồng Trường nhận thức được trách nhiệm trong việc để Công ty Yên Khánh (do bị can Hệ lập) là công ty không có năng lực trúng đấu giá, sau đó, dùng nhiều thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Nhà nước.
Ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: PLO
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Trường vì muốn thực hiện nhanh, kịp thời hạn bán quyền thu phí trong năm 2013 theo kế hoạch của Bộ GTVT, không có quan hệ với bất kỳ ai của công ty Yên Khánh, không chịu áp lực từ bất kỳ ai khi giải quyết các công việc.
Từ đó, CQĐT xác định ông Trường được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, hợp tác với cơ quan điều tra. Quá trình công tác, ông Trường có nhiều đóng góp, được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen, gia đình có công với cách mạng.
Theo lời khai, ông Thăng với tư cách là Bộ trưởng Bộ GTVT được giao quản lý tài sản ở Nhà Nước tại Bộ này, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tháng 11-2011, ông ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin chủ trương tiếp nhận lại đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc trên từ Công ty BEDC và tìm kiếm đối tác để chuyển giao quyền thu phí. Ngày 3-10-2013, ông ký quyết định thành lập Hội đồng đấu giá giao cho ông Trường, Thứ trưởng làm chủ tịch.
Ông Thăng thừa nhận bút phê đồng ý đề xuất cho Công ty Yên Khánh làm chủ đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo-Chợ Đệm…
Còn ông Trường khai quá trình triển khai việc lập, hoàn thiện và phê duyệt đề án bán quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương, với vai trò Thứ trưởng và Chủ tịch hội đồng bán đấu giá, ông đã chủ trì, kết luận nhiều cuộc họp, ký nhiều văn bản để chỉ đạo công ty Cửu Long và các đơn vị thuộc Bộ GTVT tham gia xây dựng đề án.
Bên cạnh đó, ông còn ký ba văn bản gửi Bộ Tài chính để xin ý kiến đóng góp, ký quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá mà không thành lập hội đồng xác định giá để bán đấu giá.
Ông này ký ban hành văn bản thông báo công ty Yên Khánh đủ điều kiện tham gia đấu giá chỉ dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra đánh giá hồ sơ của tổ thường trực giúp việc và sự tham mưu của Nguyễn Chí Thành (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT) không xin ý kiến của các ủy viên trong hội đồng.
Khi được công ty Cửu Long nhiều lần báo cáo việc công ty Yên Khánh không thực hiện trả tiền mua quyền thu phí đúng quy định, ông Trường đã ký 9 văn bản và chủ trì cuộc họp chỉ đạo công ty Cửu Long đôn đốc công ty Yên Khánh nộp tiền mà không chỉ đạo đình chỉ giao quyền thu phí, dừng hợp đồng trước thời hạn.
Lý giải về việc trên, ông Trường cho rằng trước thời điểm ngày 19-6-2015, công ty Cửu Long không đề nghị chấm dứt hợp đồng. Sau đó, công ty này có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định việc chấm dứt hợp đồng và việc tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Thời điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng) là người phụ trách công việc này thay ông Trường.
Trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến việc bán quyền thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương, ông Trường đều báo cáo toàn bộ quá trình thực hiện với Bộ trưởng Thăng và thấy ông Thăng không có ý kiến chỉ đạo gì khác.
Nhiều trường hợp, Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị cấp dưới sau khi được báo cáo mặc dù đã phân công cho Thứ Trưởng phụ trách hoặc khi phát hiện việc thực hiện công việc của cấp dưới có vi phạm, chưa đạt yêu cầu.