Theo VKSND Tối cao, hành vi vi phạm của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng các bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản và dự án bất động sản trên địa bàn TP Đà Nẵng đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 22.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tại dự án 29 ha KĐT Quốc tế Đa Phước, con số này đã lên tới hơn 11.000 tỉ đồng.
Cáo trạng cho thấy năm 2005, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng dự án KĐT mới Đa Phước tại quận Hải Châu. Đến tháng 5-2006, Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) nộp hồ sơ, cam kết xây dựng sân gofl và chịu chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng đê ngăn biển.
Tháng 11-2006, bị cáo Trần Văn Minh khi đó là chủ tịch UBND TP ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty Daewon, trong đó có nội dung Đà Nẵng sẽ chuyển quyền sử dụng đất đối với diện tích 29 ha cho một công ty Việt Nam (Công ty CP Xây dựng 79 – PV) liên kết với Daewo.
Tháng 7-2011, bị cáo Văn Hữu Chiến khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP ký ban hành Quyết định 5870 thu hồi phần diện tích đất 29 ha để bàn giao cho Công ty CP Xây dựng 79, đồng thời yêu cầu công ty này nộp tiền sử dụng đất với số tiền 87 tỉ đồng.
Thế nhưng, theo cơ quan tố tụng, tại thời điểm này, giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án 29 ha lên tới hơn 4.700 tỉ đồng. Hành vi thu hồi đất rồi giao quyền sử dụng đất cho Phan Văn Anh Vũ đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 11.000 tỉ đồng (tính đến khi khởi tố vụ án).
Hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại tòa. Ảnh: TTXVN
Ông Văn Hữu Chiến “chưa thừa nhận trách nhiệm”
Giải thích lý do ký Quyết định 5870, ông Văn Hữu Chiến cho hay việc này dựa vào nhiều yếu tố như: thỏa thuận nguyên tắc giữa TP với Công ty Daewon, chính công ty này cũng yêu cầu giao đất cho Công ty Xây dựng 79, báo cáo của Sở TN&MT, sơ đồ ranh giới, ý kiến chỉ đạo của chủ tịch TP...
Đại diện VKS đặt vấn đề tại sao quyết định thu hồi đất ký năm 2011 nhưng lại áp dụng đơn giá của năm 2006? Cựu chủ tịch Đà Nẵng giải thích do thị trường bất động sản lúc này đang “đóng băng”, toàn bộ 29 ha chỉ là đất mặt nước.
Ngay sau câu trả lời này, vị kiểm sát viên liên tục truy vấn ông Chiến tại thời điểm ký Quyết định 5870 thì 29 ha là đất gì, đã có mặt bằng chưa? Ban đầu, ông Chiến vẫn khẳng định là đất mặt nước, nhưng rồi lại thay đổi rằng theo báo cáo của Sở TN&MT thì đã có mặt bằng rồi.
Khi được hỏi thỏa thuận nguyên tắc có phải là văn bản quyết định việc giao đất không, có đúng với Luật Đất đai? Ông Chiến nói đây là một hợp đồng của nước ngoài với UBND TP, trong quá trình thực hiện chưa thấy ai hủy bỏ. Ông không rõ quá trình triển khai giữa công ty với các sở, ban ngành như thế nào nhưng vẫn ký theo phân công vì căn cứ vào chủ trương, quyết định của chủ tịch và cơ quan tham mưu.
“Cả TP, từ chủ trương Thành ủy cho đến HĐND và UBND đều căn cứ vào đó để triển khai dự án” - bị cáo nói.
Viện dẫn Luật Đất đai năm 2003 nhằm chứng việc cho việc giao đất bằng hợp đồng nguyên tắc là sai, đại diện VKS cho rằng Nhà nước giao đất nghĩa là trao quyền sử dụng đất bằng quyết định hành chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất. “Bị cáo có hiểu quy định này?” – kiểm sát viên hỏi.
Đáp lại, ông Chiến nói mặc dù được phân công phụ trách mảng TN&MT nhưng việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất và giao dự án thì chủ tịch TP trực tiếp giải quyết từ đầu tới cuối, bị cáo chỉ ký theo phân công.
Đại diện VKS đánh giá ông Chiến chưa trả lời đúng câu hỏi và cũng chưa thừa nhận trách nhiệm của mình.
Cái gì cũng “làm theo chủ trương”
Có một điều xuyên suốt trong các ngày xét xử đã diễn ra, đó là việc ông Chiến rất nhiều lần sử dụng các cụm từ “ký theo phân công”, “làm theo chủ trương” hoặc “chỉ ký để hoàn thành thủ tục”, để trả lời câu hỏi của HĐXX hoặc đại diện VKS.
Điển hình, cơ quan công tố đặt giả thiết có đủ cơ sở cho thấy Quyết định 5870 gây thiệt hại cho Nhà nước thì bị cáo thấy có trách nhiệm gì không? Ông Chiến nói còn phải xem thử trong quá trình triển khai thực hiện, người quyết định không phải bị cáo mà chỉ làm theo chủ trương của chủ tịch.
"Nếu chủ tịch sai, bị cáo có sai không?" – kiểm sát viên hỏi. Ông Chiến đáp: "Chủ tịch sai thì còn có hai cơ quan tham mưu".
Tiếp đó, đại diện VKS đặt vấn đề nếu vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhân dân TP Đà Nẵng thì tại sao không áp đơn giá theo thị trường (hơn 4.700 tỉ đồng) mà lại áp đơn giá 300.000 đồng/m2 để rồi ngân sách chỉ thu về được 87 tỉ đồng?
Ông Chiến tiếp tục nói tất cả văn bản từ chủ tịch cho đến cơ quan tham mưu trình ký đều theo giá của thỏa thuận nguyên tắc. Tháng 2-2011, chính ông Trần Văn Minh có văn bản đề nghị vẫn sử dụng giá đó, đây là người có thẩm quyền quyết định, bị cáo chỉ ký theo phân công.
Kiểm sát viên sau đó dẫn kết luận của giám định viên tư pháp Bộ TN&MT cho thấy thỏa thuận nguyên tắc không phải là văn bản xác định việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Chiến không có ý kiến gì, vì chỉ biết thực hiện theo chủ trương chung của TP.
Có phần khác với ông Văn Hữu Chiến, cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh luôn tỏ ra rất tự tin khi cho rằng việc giao đất tại dự án 29 ha KĐT Quốc tế Đa Phước cho Công ty CP Xây dựng 79 là đúng quy định pháp luật. Điều này được ông Minh thể hiện trong suốt quá trình xét hỏi của HĐXX cũng như đại diện VKS.
Theo ông Minh, cơ quan tố tụng cho rằng đây là đất “sạch” nên phải đấu giá, nhưng thực tế chỉ là đất mặt nước. Bị cáo này còn cho rằng bị cáo Chiến có sự nhầm lẫn (khi khai đã có mặt bằng - PV), vì thực tế 29 ha chỉ là đất mặt nước, mới chỉ đổ đất xung quanh. Ông khẳng định mang theo đầy đủ chứng cứ, tài liệu để HĐXX xem xét.
Khi kiểm sát viên đặt câu hỏi thỏa thuận nguyên tắc có phải là căn cứ pháp lý để giao quyền sử dụng đất 29 ha hay không? Ông Minh khẳng định điều này là đúng quy định, bởi thực hiện theo Điều 122 Luật Đất đai năm 2003 về trình tự giao đất đối với loại đất chưa giải phóng mặt bằng…