Vũ ‘nhôm’ không hợp tác, không nhận tội

Sáng nay (2-1), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 20 bị cáo, trong đó có hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sẽ hầu tòa vì những cáo buộc liên quan tới việc thâu tóm các nhà, đất công sản cũng như dự án đất vàng trên địa bàn.

Đây là vụ án thứ tư và là phiên tòa thứ bảy mà cựu thượng tá tình báo của Bộ Công an bị đưa ra xét xử.

Cú bắt tay với hai cựu chủ tịch TP Đà Nẵng

Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định từ năm 2002 đến 2010, Phan Văn Anh Vũ đã thành lập năm công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tại các dự án bất động sản, Vũ lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai để chủ động nắm bắt thông tin quy hoạch, đặc biệt tại các vị trí ven biển.

Sau đó, Vũ liên hệ với các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (hai cựu chủ tịch UBND TP) nhằm chỉ đạo cấp dưới tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý. Từ đó các bị cáo đã giúp Vũ nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá, áp đơn giá không sát với giá thị trường, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất…

Tại các dự án nhà, đất công sản, Vũ và các công ty do Vũ đứng ra thành lập không phải là đối tượng được mua nhà công sản theo Nghị định 61/1994. Thế nhưng Vũ đã bàn bạc, thỏa thuận với giám đốc một số công ty thuộc diện được mua chỉ định để đứng tên xin mua nhà công sản và xin giảm hệ số sinh lợi.

Sau khi được mua, những giám đốc này có văn bản đề nghị UBND TP Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Vũ hoặc công ty, người thân của Vũ và ăn chia lợi ích với nhau.

Mặc dù biết rõ việc này nhưng cựu chủ tịch Trần Văn Minh vẫn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới “tạo điều kiện” cho Vũ. Các bị cáo khác dù biết chủ trương này là không đúng quy định nhưng vẫn thực hiện trong thời gian dài.

Đáng chú ý, theo VKSND Tối cao, tại CQĐT, Phan Văn Anh Vũ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội. Dù vậy, cơ quan tố tụng khẳng định có đủ cơ sở xác định Vũ phạm vào hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Phan Văn Anh Vũ đã kéo hàng loạt quan chức cấp cao vào tù. Ảnh: TP

Cách thức Vũ “nhôm” thâu tóm đất công

Đáng chú ý, ngoài số bị cáo bị đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng còn đề cập tới rất nhiều cá nhân, tổ chức khác liên quan trong vụ án.

Trong số này có ông Ngô Áng Hùng - anh rể Vũ “nhôm, giám đốc Công ty TNHH I.V.C và bà Phan Thị Anh Đài - chị Vũ “nhôm”, vợ của Hùng và là giám đốc Công ty CP đầu tư Nhất Gia Phúc. Hai người này có hành vi tham gia vào việc chuyển nhượng bốn nhà, đất công sản liên quan đến Vũ, gồm nhà đất số 37 Pasteur, 39 Pasteur, 02 Hải Phòng và 100 Bạch Đằng ở TP Đà Nẵng.

Điển hình, với nhà, đất số 37 Pasteur, Vũ biết chủ trương của UBND TP Đà Nẵng về việc bán nhà, đất này cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng nên đã tới gặp Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc công ty này. Hai bên thỏa thuận Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng đứng ra làm thủ tục để được UBND TP phê duyệt bán nhà, đất, giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi và chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng sang cho Vũ.

Toàn bộ số tiền phải nộp mua nhà, đất sẽ do Vũ nộp; đổi lại, Vũ sẽ trả tiền hoa hồng cho phía Lộc bằng 1/2 số tiền trong việc được xét giảm 10% tiền sử dụng đất. Dưới sự giúp sức của dàn cựu lãnh đạo và cán bộ UBND TP Đà Nẵng, thỏa thuận giữa Vũ và Lộc được thực hiện thành công.

Ngày 7-12-2010, UBND quận Hải Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho Vũ. Tiếp đó, Vũ cùng vợ chuyển nhượng cho ông Ngô Áng Hùng và vợ là bà Phan Thị Anh Đài.

Cơ quan tố tụng xác định việc mua bán nhà, đất công sản trái quy định pháp luật tại dự án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 112 tỉ đồng.

22.000 tỉ đồng là số tiền mà Vũ “nhôm” cùng các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước trong vụ thâu tóm công sản ở Đà Nẵng, theo VKSND Tối cao.

Đến nay cơ quan tố tụng chưa chứng minh, làm rõ được việc chia lợi ích giữa Vũ “nhôm” và cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cũng như các cựu lãnh đạo, cán bộ TP Đà Nẵng. 

Vũ "nhôm" trong một lần đến tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Vợ chồng chị Vũ “nhôm” đã xuất cảnh từ trước

Với nhà, đất số 39 Pasteur, sau khi bà Đài lần lượt ký các tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin thuê rồi mua lại nhà, đất này, dàn cựu lãnh đạo và cán bộ TP đã ra sức “tạo điều kiện”. Kết quả là nhà, đất số 39 Pasteur được chuyển nhượng cho Công ty TNHH đầu tư Nhất Gia Phúc với giá ưu đãi và còn giảm 10% tiền sử dụng đất.

Tiếp đó, bà Đài chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất tại dự án này cho Vũ, rồi Vũ tiếp tục chuyển nhượng cho ông Ngô Áng Hùng. Cơ quan tố tụng xác định số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại nhà, đất số 39 Pasteur là hơn 73 tỉ đồng.

Bà Đài đã ký các thủ tục xin thuê, mua nhà, đất là theo chỉ đạo của Vũ “nhôm”. Và Vũ đã sử dụng pháp nhân Công ty TNHH đầu tư Nhất Gia Phúc trong thâu tóm nhà, đất công sản. Việc chuyển nhượng qua lại giữa ba cá nhân này có dấu hiệu tẩu tán tài sản…

Với hai nhà, đất còn lại là số 100 Bạch Đằng và số 02 Hải Phòng, vợ chồng chị Vũ “nhôm” đều có vai trò liên quan trong quá trình chuyển nhượng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại ở hai dự án này lần lượt là hơn 24 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cả ông Hùng và bà Đài đã xuất cảnh ra nước ngoài từ tháng 11-2017 (trước thời điểm khởi tố vụ án) nên sẽ xem xét xử lý sau.

Vũ “nhôm” đã kéo hàng loạt quan chức vào tù

1. Ở vụ án thâu tóm công sản tại Đà Nẵng (mà TAND TP Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm sáng nay, 2-1), ngoài Vũ “nhôm”, 20 bị cáo còn lại chủ yếu là các cựu lãnh đạo và cán bộ cấp cao của UBND TP Đà Nẵng. Trong số này có hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.

2. Ngày 31-10-2018, Vũ “nhôm” bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt tám năm tù về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Trong vụ án này, cựu trung tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục V Bộ Công an Phan Hữu Tuấn bị phạt bảy năm tù; cựu cán bộ Tổng cục V Nguyễn Hữu Bách bị phạt sáu năm tù, cùng tội danh với Vũ.

3. Ngày 7-6-2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm, y án 17 năm tù đối với Vũ về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cùng chịu trách nhiệm với Vũ trong việc gây thất thoát hơn 3.600 tỉ đồng cho Đông Á Bank còn có hàng loạt cựu lãnh đạo của ngân hàng này như Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến…

4. Ngày 13-6-2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, tuyên Vũ 15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Vụ án này có tới hai cựu thứ trưởng Bộ Công an dính chàm là cựu trung tướng Bùi Văn Thành (30 tháng tù) và cựu thượng tướng Trần Việt Tân (36 tháng tù), cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V Phan Hữu Tuấn và cựu cán bộ Tổng cục V Nguyễn Hữu Bách lần lượt bị tuyên bốn năm và ba năm sáu tháng tù, cùng tội danh với Vũ.

5.  Ngày 31-12-2019, TAND TP.HCM đã tuyên án cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng bốn cán bộ cấp dưới trong vụ giao đất số 15 Thi Sách, quận 1 cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, làm chủ tịch HĐQT).

Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín bảy năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng tội này, cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt bị phạt sáu năm sáu tháng tù, Trương Văn Út (cựu phó Phòng quản lý đất đai, Sở TN&MT TP) năm năm tù, Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP) bốn năm tù và Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng đô thị, Văn phòng UBND TP) ba năm tù. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm