Dài cổ chờ thi hành án thu hồi tiền từ ngân hàng

Bà Phạm Thị Hồng Lạc (trú quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) có đơn kiến nghị vì cơ quan thi hành án (THA) chưa thực hiện kê biên buộc ngân hàng (NH) trả số tiền hơn 15,8 tỉ đồng cho bà theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Khấu trừ tiền gửi tiết kiệm là tài sản chung

Trước đó, trong các năm 2014-2016, chồng bà Lạc có gửi số tiền tiết kiệm hơn 71 tỉ đồng (11 sổ tiết kiệm) là tài sản chung của hai vợ chồng tại NH. Sau đó, do được nhờ vả, chồng bà đồng ý dùng tiền gửi tiết kiệm để bảo đảm cho khoản vay hơn 66 tỉ đồng của một doanh nghiệp.

Bà Lạc cho biết đã nhiều lần có đơn yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chưa thực hiện. Ảnh: ĐH

Chiều 1-6-2016, chồng bà đã tự ý ký hợp đồng bảo đảm với NH để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hơn 66 tỉ đồng doanh nghiệp trên vay của NH mà không có sự đồng ý của bà. Tới ngày 3-6-2016, chồng bà có văn bản đề nghị hủy hợp đồng nhưng NH không chấp nhận.

Cuối tháng 9-2016, phát hiện sự việc, bà Lạc đã yêu cầu chồng phải rút toàn bộ 11 sổ tiết kiệm nhưng NH không cho. Đến ngày 1-10-2016, do doanh nghiệp trên mới trả hơn 36,65 tỉ đồng nên phía NH đã trích 30 tỉ đồng trong một sổ tiết kiệm có hơn 42 tỉ đồng mang tên chồng bà để thu hồi nợ.

Sau hơn một năm, chồng bà tố cáo bị lừa đảo không có kết quả, tháng 3-2018, bà Lạc đã khởi kiện đề nghị TAND quận Ngô Quyền tuyên hợp đồng bảo đảm mà chồng bà ký là vô hiệu, buộc NH trả lại hơn 31,6 tỉ đồng (30 tỉ đồng tiền gốc và hơn 1,6 tỉ đồng thiệt hại do NH chuyển từ lãi suất có kỳ hạn thành không kỳ hạn).

Tại bản án sơ thẩm ngày 28-8-2018, TAND quận Ngô Quyền đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc NH phải trả cho vợ chồng bà Lạc hơn 31,6 tỉ đồng.

Phía doanh nghiệp kháng cáo, VKSND TP Hải Phòng cũng kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan.

Bản án phúc thẩm ngày 28-6-2019 của TAND TP Hải Phòng cho rằng số tiền hơn 42 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm mặc dù mang tên chồng nhưng là tài sản chung của vợ chồng. Cả hai bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ sử dụng, định đoạt số tiền này. Việc NH khấu trừ 30 tỉ đồng gồm cả tiền của bà Lạc là xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của bà.

Theo tòa, hợp đồng bảo đảm và các phụ lục hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của chồng bà trong phạm vi 15 tỉ đồng ông được định đoạt, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với số tiền 15 tỉ đồng của bà Lạc. Tòa tuyên hợp đồng bảo đảm và các phụ lục hợp đồng vô hiệu một phần, buộc NH phải trả cho bà Lạc hơn 15,8 tỉ đồng (gồm 15 tỉ đồng tiền gốc và hơn 808 triệu đồng tiền lãi).

Chưa biết khi nào thu hồi được tài sản

Căn cứ vào bản án phúc thẩm và đơn yêu cầu THA của bà Lạc, từ ngày 26-7-2019, Chi cục THA dân sự (DS) quận Ngô Quyền đã ra quyết định thi hành bản án, buộc NH phải trả cho bà Lạc hơn 15,8 tỉ đồng. Chi cục đã tống đạt quyết định THA cho các bên liên quan theo quy định.

Tuy nhiên, do NH có đơn đề nghị xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm nên theo yêu cầu của TAND Cấp cao tại Hà Nội, chi cục ra quyết định hoãn THA ba tháng. Hết thời hạn hoãn, tháng 11-2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nên cơ quan THA lại tạm đình chỉ THA.

Gần hai năm sau, tháng 8-2021, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định rút toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm vì tòa xác định số tiền tiết kiệm chồng bà Lạc đứng tên là tài sản chung của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

NH không xác minh, kiểm tra sổ tiết kiệm mang tên chồng bà là tài sản chung của vợ chồng, đồng ý để cho chồng bà định đoạt cả phần tài sản của bà mà không có sự đồng ý của bà là không đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ vào quyết định rút kháng nghị này, tháng 9-2021, Chi cục THA lại ra quyết định tiếp tục THA đối với NH. NH lại gửi đơn đề nghị hoãn THA để cơ quan có thẩm quyền xem xét kháng nghị bản án. Tuy nhiên, Chi cục THADS quận Ngô Quyền ra văn bản trả lời theo Điều 48 Luật THADS, đơn đề nghị này không phải là căn cứ hoãn THA. Đồng thời yêu cầu NH tự nguyện thi hành dứt điểm bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Chi cục THA tiếp tục ban hành các thông báo yêu cầu tự nguyện THA nhưng NH không thực hiện. Bà Lạc có đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế buộc NH thực hiện nghĩa vụ. Chi cục THA đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT, Cục Thuế và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đề nghị phối hợp xác minh về tình trạng hoạt động, thông tin đóng thuế, thông tin tài khoản và các vấn đề liên quan đến NH trên để có cơ sở THA theo quy định.

Tuy nhiên, theo Cục THADS TP Hải Phòng, sau đó chỉ có Sở KH&ĐT và Cục Thuế TP.HCM có văn bản trả lời rằng NH trên đang hoạt động và nộp thuế theo quy định. Còn Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM có văn bản (ngày 15-12-2021) cho rằng không có thẩm quyền cung cấp thông tin, phong tỏa, khấu trừ tiền từ tài khoản của tổ chức tín dụng mở tại chi nhánh.

“Cơ quan THA nói đang tiếp tục thực hiện quy trình nhưng đến nay chưa thực hiện các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế, không biết khi nào mới thu hồi tài sản cho tôi” - bà Lạc nói.

 

Ông Lương Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hải Phòng, cho rằng do NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM không cung cấp tài khoản của NH trên nên cơ quan THA không thể kê biên, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản theo bản án. Để THA, Cục THADS TP Hải Phòng phải báo cáo Tổng cục THADS để đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Chi nhánh TP.HCM cung cấp tài khoản của NH trên cho cơ quan THA thực hiện chức trách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm