Quy định mới về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 13/2021 quy định quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự với nhiều điểm mới. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 13-2-2022.

Hình minh họa

Tám trường hợp thực hiện lưu đơn khiếu nạ

Điều 8 thông tư quy định tám trường hợp thực hiện lưu đơn khiếu nại. Cụ thể là đơn khiếu nại đã được chuyển, hướng dẫn, trả lời, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng đương sự tiếp tục có đơn khiếu nại cùng nội dung.

Đơn khiếu nại giấu tên, dùng tên người khác, không rõ địa chỉ, nhân danh tập thể, không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

Đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm bản dịch được công chứng.

Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

Đơn đồng thời gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đơn không xác định rõ người bị khiếu nại, hành vi bị khiếu nại mà đã mời người khiếu nại hợp lệ hai lần để xác định nội dung khiếu nại hoặc đã có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nhưng người khiếu nại không đến không cung cấp theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng.

Thời hạn lưu đơn là một năm, hết thời hạn lưu đơn thì xem xét quyết định việc tiêu hủy đơn theo quy định của pháp luật. 

Cạnh đó, về việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại, trong thời hạn 15 ngày (quy định hiện hành là bảy ngày), kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

Rút ngắn thời gian thụ lý đơn tố cáo

Đáng chú ý, Điều 16 thông tư đã rút ngắn thời gian thụ lý đơn tố cáo. Cụ thể, trong thời hạn bảy ngày làm việc (quy định hiện hành là 10 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được đơn, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo.

Trường hợp phải kiểm tra, xác minh hoặc ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc. Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc (hiện hành không quy định), kể từ ngày nhận đơn và thông báo cho người tố cáo biết.

Thông tư cũng quy định tám trường hợp lưu đơn tương tự như đối với đơn khiếu nại. Ngoài ra, đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; tố cáo không thực hiện đúng theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo cũng sẽ bị lưu đơn.

Xử lý đơn tố cáo không ghi họ tên người tố cáo

Trường hợp đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; nội dung tố cáo được phản ánh không thực hiện theo hình thức quy định nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.

(Trích Điều 16 thông tư)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm