ĐB Lưu Bình Nhưỡng: 'Không có công lý giá rẻ'

Sáng 30-3, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.

Việc xác định tỷ lệ oan, sai là "nguy hiểm"

Phát biểu, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Bến Tre) chia sẻ với những khó khăn, áp lực của cơ quan tư pháp, khi trong nhiệm kỳ họ phải giải quyết hàng triệu vụ án và đặc biệt luôn “đứng trước ranh giới công lý, công bằng và các vấn đề tiêu cực”.

“Tôi xin nêu một số vấn đề liên quan tới nội dung này mà tôi suy nghĩ gần như trong toàn bộ cuộc đời mình và cả nhiệm kỳ vừa qua”- ông Nhưỡng nói.

Trên tinh thần bảo đảm độc lập tư pháp, ĐB Nhưỡng cho biết ông băn khoăn khi tồn tại khái niệm “ngành toà án”. “Thật ra không có khái niệm ngành toà án, mỗi tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau, các thẩm phán hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp vào bất kỳ hoạt động nào của nhau”- ông Nhưỡng giải thích.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: quochoi.vn

ĐB Bến Tre cũng đề cập đến việc tồn tại của các cuộc làm việc liên ngành giữa các cơ quan tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và cho rằng nên khắc phục việc này để bảo đảm tính độc lập tư pháp.

“Tôi có tham gia làm luật sư một vụ án nổi tiếng là vụ án Tân Thanh, Lạng Sơn. Có vị đại diện VKS phát biểu rằng vấn đề này chúng tôi đã có văn bản liên ngành. Chúng tôi cho rằng cách hiểu này rất sơ hở”- ông Nhưỡng nói tiếp. 

Tiếp theo, ông Nhưỡng đề cập đến vấn đề “chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp”. Theo ông, các cơ quan chỉ nên có kế hoạch làm việc, còn kế hoạch xét xử “cần nghiên cứu lại”.  “Có những phiên tòa ở một số số nước có thể kéo dài hàng năm. Trước đây, có lãnh đạo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp có nói với tôi rằng công lý không bao giờ có giá rẻ…. Không có công lý giá rẻ nên phải mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí xương máu mới có thể tìm ra được công lý”- ông Nhưỡng nói.

Phó trưởng ban Dân nguyện cũng cho rằng việc xác định tỷ lệ oan sai là “nguy hiểm”. 

“Hình dung xem, mình hoặc người thân ở trong 0.000001 %  oan sai thì mình nghĩ thế nào. Nếu chúng ta không khắc phục chuyên này thì rất nguy hiểm. Tỷ lệ oan sai có liên quan tới tỷ lệ quan trọng là liệu có hay không có tỷ lệ công lý. Công lý làm sao có tỷ lệ được. Công lý là công lý. Công lý là thứ gì đó vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa. Cho nên tôi đề nghị hết sức lưu ý vấn đề này. Đề nghị Quốc hội khóa 15 xem xét vấn đề này”- vẫn lời ông Nhưỡng.

Một vấn đề khác, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng để nâng cao năng lực của cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp và hoạt động bổ trợ tư pháp, “chúng ta cần có sự quan tâm đặc biệt”. 

Ông dẫn chứng lương của một nghị sĩ QH và của Bộ trưởng của Australia là 65.000 đô la/năm, lương của thẩm phán cấp huyện là 75.000 đô la và lương của thẩm phán tối cao là 100.000 đô la. 

Tranh luận gay gắt

Bấm nút tranh luận, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH Bình Dương) cho biết ông tranh luận với ĐB Nhưỡng không có nghĩa là ông không bảo vệ công lý. Theo ĐB, công lý là giá trị phổ quát và tất cả nền tư pháp các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. 

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn

“Ở đây đại biểu nói công lý không có giá, có chỉ tiêu của Quốc hội về chống oan sai, tôi cho rằng cách tiếp cận chưa hợp lý vì thực tế không chỉ VN có oan sai. Thời gian qua, vì có oan sai nên đưa ra giải pháp, đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu để phấn đấu. Không phải đưa ra chỉ tiêu để thừa nhận nền tư pháp chúng ta có oan sai”- ông Hồng nói.

ĐB Bình Dương cũng cho rằng việc ĐB Nhưỡng lấy thời gian xét xử vụ án để đánh giá giá trị công lý là “không toàn diện, không chính xác”. 

“Việc phối hợp liên ngành, ĐB dẫn ra vụ việc ĐB tham gia trực tiếp bào chữa, đây là chỉ trường hợp cá biệt. Chúng ta có họp liên ngành là để thống nhất nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết, đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, thực tiễn trong việc xử lý vụ việc. Phối hợp ở đây không có nghĩa là làm giảm tính độc lập của xét xử. Việc này đúng với nguyên tắc các cơ quan nhà nước độc lập, phân công, phân quyền và có phối hợp”- ông Hồng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao trao đổi những vấn đề mà ĐB quan tâm như khái niệm ngành, quan hệ tố tụng hay là tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân và các chỉ tiêu QH mà hai ĐB có tranh luận.

Phát biểu tiếp theo, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng trong báo cáo nhiệm kỳ của TAND Tối cao không có chỉ tiêu oan sai, chỉ nêu tỷ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định của pháp luật. “Từ nhận thức như vậy, ĐB Nhưỡng phân tích vấn đề khác dẫn đến hiểu nhầm”- ông Chính nói.

Chánh án TAND TP Hà Nội cũng không nhất trí với quan điểm của ĐB Nhưỡng về “họp liên ngành”. Theo ông, những vụ án phải họp liên ngành đều là những vụ án phức tạp, khó. Họp liên ngành để nếu không đủ tình tiết buộc tội thì phải điều chỉnh chứ không phải để bàn nhau thống nhất truy tố, xét xử.

Bấm nút tranh luận tiếp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng trong báo cáo và nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai. “Nhưng thưa hai ĐB, khi anh nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì phần còn lại là cái gì? Tất cả cử tri cả nước đều phần còn lại là phần oan sai. Cần gì phải nói là chỉ tiêu oan sai, đó là cách nói của chúng ta thôi. Chúng tôi có đủ nhận thức để bảo đảm chúng tôi hiểu đúng vấn đề này”- ông Nhưỡng nói.

“Phần còn lại chắc chắn phải là phần oan sai. Chính vì vậy trước đây tôi đã tranh luận không nên đặt ra chỉ tiêu xét xử đúng. Chúng ta chỉ nên khẳng định cần phải xét xử đúng, không nên đặt ra chỉ tiêu”- ĐB nói.

Về việc họp liên ngành, ĐB khẳng định ông không nói liên ngành là xấu, có thể liên ngành là bàn bạc, thống nhất vấn đề tốt…  Nhưng mà trên thế giới này, người ta không công nhận câu chuyện các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau.

“Ở Đức, chỉ cần ông Chánh án hỏi ông thẩm phán vụ ấy đã xử chưa có nghĩa là đã xâm phạm nguyên tắc độc lập xét xử. Cho nên các vị hiểu về nguyên tắc độc lập xét xử chưa thấu đáo nên mới hình dung liên ngành là cần thiết. Chỉ riêng hình thức hoạt động liên ngành thôi đã là không cần thiết rồi, chưa cần biết có bàn hay không bàn vấn đề gì và biết đâu bàn rằng trường hợp này nhất định phải kết tội, trường hợp này phải xử bằng này năm. Thế nên dư luận mới đặt câu hỏi có hay không có câu chuyện án bỏ túi là thế”- ông Nhưỡng nói và khẳng định ông không gán ghép bất cứ điều gì, chỉ mong các ĐB nghiên cứu cho kỹ lưỡng.

Ba kiến nghị của ĐB Lưu Bình Nhưỡng:

Cuối bài phát biểu, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Uỷ ban Tư pháp, Ban Dân nguyện và một số ĐB có quan tâm đặc biệt tới công tác tư pháp cần dành thời gian để làm việc, đặc biệt giải quyết những vụ án, vụ việc, giám đốc, tái thẩm, đơn thư tố cáo hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp để làm rõ và xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan. 

Ông Nhưỡng cũng đề nghị cần tập trung nghiên cứu, tái nghiên cứu khách quan nhất, nghiêm túc nhất, cẩn trọng nhất những vụ án, vụ việc, đương sự bị can, bị cáo và gia đình kiến nghị kéo dài khiến dư luận rất bức xúc. “Không được bàng quan trước tiếng kêu của nhân dân, đặc biệt, cần đoạn tuyệt với thái độ, định kiến tiêu cực trong tư pháp. Ví dụ cứ bị bắt là có tội, cứ xử là có tội”- ông Nhưỡng nói.

Cuối cùng, ĐB Bến Tre đề nghị cần tiếp tục tham mưu cho Đảng, nhà nước triển khai đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo về nền tư pháp thật sự trong sạch, vững mạnh, khẳng định vị trí, đẳng cấp của tư pháp. 

“Làm sao tư pháp là hộ pháp của nền kinh tế đất nước. Tòa án xứng đáng là biểu tượng công lý và hiện thân của công lý. VKS thể hiện vai trò kết nối đầu vào, đầu ra của hệ thống tư pháp, là bánh răng trung chuyển sự thật, công bằng, khánh quan, bản lĩnh, để bánh xe tư pháp không bị vỡ nát, không chệch khỏi đường ray công lý”- ông Nhưỡng nêu quan điểm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm