Ngày 5-6, TAND tỉnh Hậu Giang bước vào ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ Huỳnh Hữu Nhơn (ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) kêu oan về việc đang làm thuê ở Kiên Giang nhưng bị cáo buộc đi cướp ở Hậu Giang.
Trước đó, Nhơn bị TAND huyện Phụng Hiệp tuyên bốn năm tù tội cướp tài sản và bắt giam ngay tại tòa.
Điều tra viên chưa làm tròn trách nhiệm
Qua hai ngày xét hỏi, đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm và đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm. Đại diện VKSND nhận định: Qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án cũng cho thấy vụ án trước đây bị tòa án phúc thẩm (lần 1) hủy án điều tra lại. Tuy nhiên từ khi điều tra lại đoạn 2 cho đến phiên xét xử phúc thẩm ngày hôm nay thì lời khai của những nhân chứng trong vụ án vẫn còn nhiều mâu thuẫn.
Cụ thể, qua hai ngày xét hỏi tại tòa, lời khai của nhân chứng là bà Đặng Thị Mai, ông Lê Ba Dõng, ông Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Tôn trình bày có nội dung hoàn toàn trái ngược với quá trình điều tra viên lấy lời khai. Còn nhân chứng Nguyễn Hoàng Nam, Phạm Thị Thu Hương, Lê Minh Lương, Dương Hoài Sơn đều giữ nguyên quan điểm như trình bày với cơ quan điều tra từ giai đoạn từ khi vụ án xảy ra.
Đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm.
“Đồng thời qua thẩm vấn công khai tại tòa cho thấy điều tra viên Trần Việt Phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong vấn đề thụ lý điều tra vụ án. Phần câu hỏi của VKS đặt ra cũng không được điều tra viên giải đáp. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án có nhiều sai phạm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, cũng như còn nhiều mâu thuẫn từ các lời khai, chưa đủ căn cứ xác định Nhơn có phạm tội cướp tài sản hay không”, đại diện VKSND tỉnh Hậu Giang nhận định.
Từ những phân tích nêu trên, đại diện VKSND đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại cho thật sự khách quan, đúng người đúng tội.
Luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Nhơn đồng quan điểm với đại diện VKSND về việc đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Luật sư còn cho rằng trong quá trình điều tra, điều tra viên có dấu hiệu làm mất hồ sơ, cố tình tạo dựng chứng cứ, hướng cung, dụ cung, một số điều tra viên không được phân công nhưng vẫn tham gia lấy lời khai với vai trò điều tra viên, vụ án không được VKS kiểm sát theo luật định...
Luật sư dẫn chứng một biên bản có vi phạm.
Bản án sơ thẩm kết tội Nhơn nhưng không căn cứ vào chứng cứ mà viết như một câu chuyện trinh thám. Bản án sơ thẩm chưa làm rõ thời gian cướp, phương tiện gây án...
Đồng thời luật sư đề nghị HĐXX xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho Nhơn được tại ngoại trong quá trình điều tra lại.
“Luật sư đã nêu một số vi phạm nghiêm trọng tố tụng, một số sai phạm của điều tra viên trong quá trình thụ lý vụ án. Tuy nhiên, quan điểm luật sư cho rằng điều tra viên có dấu hiệu mớm cung, dụ cung, cũng như tạo dựng chứng cứ và đưa nhân chứng không có thật vào thì chưa có căn cứ xác định, phải có quá trình điều tra làm rõ, nếu sự việc có xảy ra thì sẽ được xử lý theo quy định pháp luật”, đại diện VKSND đối đáp.
Nói lời sau cùng, Nhơn khóc và khẳng định mình bị oan, mong HĐXX xét xử công tâm, khách quan và xin cho bị cáo được tại ngoại.
Cơ quan điều tra chưa xác định được phương tiện gây án?
Trước đó, đầu buổi xét hỏi thứ hai, các nhân chứng Nam, Hương, Hoài Sơn, Lương vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu khẳng định ngày xảy ra vụ án (17-4-2016) Nhơn đang xuống mía ở Kiên Giang chung với họ, không thể đi cướp. Theo đó, vào khoảng từ 14 giờ đến hơn 15 giờ thì Nhơn vẫn còn ở bãi mía (Kiên Giang), thời gian chạy ghe đến nhà máy đường ở Vị Thanh phải mất 15 tiếng đồng hồ dù điều kiện thủy triều thuận lợi.
Nhân chứng Lê Minh Lương vẫn giữ lời khai ban đầu ngày xảy ra vụ án Nhơn đang ở bãi mía chung với ông.
Đối với bản tờ tường trình mà vợ chồng bà Hương đưa, ông Lương, ông Sơn khẳng định có nội dung đúng với sự thật họ biết. Nếu cơ quan chứng nhận không công nhận tờ tường trình đó thì họ sẵn sàng làm lại tường trình khác và có nội dung giống vậy, vì đó là sự thật.
Còn phạm nhân- nhân chứng Rồi thì tiếp tục có những lời khai mâu thuẫn với phiên tòa sơ thẩm, với cơ quan điều tra, thậm chí lời khai tại tòa buổi sáng cũng mâu thuẫn với lời khai buổi chiều về mốc thời gian, các hoạt động ngày xảy ra vụ án.
Đặc biệt, Rồi khai là có quen biết, thường xuyên cà phê với bị hại, thời điểm cướp đi cướp Rồi không đội nón bảo hiểm, không đeo khẩu trang và trực tiếp đi đến giật túi xách của bị hại. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là bị hại khai bị hai đối tượng lạ mặt cướp tài sản chứ không nói là Rồi.
Quá trình xét hỏi, luật sư cũng đạt vấn đề với điều tra viên Phạm Văn Trung vấn đề có mâu thuẫn về việc xác định phương tiện gây án. “Rồi khai sử dụng xe wave cùng Nhơn đi cướp nhưng tại sao cơ quan điều tra lại xác định là chiếc xe dream mượn của Đặng”, luật sư hỏi.
“Do đặc điểm xe cũ tàng và mỗi người có tư duy khác nhau nên mới có sự mâu thuẫn đó. Hơn nữa kết luận điều tra chỉ để là chiếc xe cà tàng, cũ thôi chứ không để dream hay wave”, ông Trung lý giải.
Ngoài ra luật sư còn đặt vấn đề với điều tra Trung và Phương về việc một số biên bản không có tên điều tra viên nhưng có chữ ký phía sau; có lúc có tên điều tra viên nhưng không có chữ kỹ, không có chữ ký của kiểm sát viên, biên bản thực nghiệm chỉ có ngày không có tháng... lúc này hai điều tra viên cho rằng là do sơ xuất...
Tòa thông báo thứ Hai, ngày 10-6, tòa sẽ tuyên án.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4-2016, Trần Văn Rồi gặp Nhơn chạy xe máy đi ngang qua rồi rủ nhau cướp giật. Cả hai đã giật túi xách bên trong có 1,35 triệu đồng của anh Ngân bán vé số và bỏ chạy. Nhơn chia cho Rồi 300.000 đồng, còn lại giữ tiêu xài và mua ma túy sử dụng. Công an huyện Phụng Hiệp đã bắt, khởi tố Nhơn và Rồi về tội cướp giật tài sản. Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2016, TAND huyện phạt Nhơn bốn năm tù, bị cáo Rồi ba năm sáu tháng tù. Nhơn kháng cáo kêu oan, cho rằng ngày xảy ra vụ án mình đi chở mía thuê cho ông Nguyễn Hoàng Nam ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cách hiện trường hàng trăm km. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Hậu Giang đã hủy một phần án sơ thẩm về tội danh, hình phạt đối với Nhơn, yêu cầu điều tra lại. |