Đi kiện vì bị buộc trả lại đất lấn chiếm sông Bình Triệu

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận đơn kháng cáo của người khởi kiện LTH (sinh năm 1957) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm hành chính.
Trước đó, bà H. khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy hai quyết định của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà.
Người đi kiện trình bày khu đất 797,1m2 bị cưỡng chế là đất thuộc quyền sử dụng của gia đình không phải do lấn chiếm. Trong quá trình sử dụng đất trước đây, cha bà đã có kê khai nộp thuế đầy đủ cụ thể trong tờ kê khai năm 1993 tổng diện tích đất sử dụng 2.500m2
Bị kiện, UBND quận cho là từ năm 2008 đến năm 2013, một người em của bà đã có hành vi san lấp sông Bình Triệu. Chủ tịch UBND quận đã nhiều lần ban hành các quyết định xử phạt hành chính đối với người này do có hành vi san lấp rạch thoát nước công cộng, kênh mương thoát nước trái quy định. Đồng thời, UBND cũng đã tổ chức cưỡng chế thực hiện các quyết định trên vào tháng 1-2014. 

TAND TP.HCM đã bác yêu cầu khởi kiện của bà LTH kiện 2 quyết định hành chính. Ảnh: H.YẾN

Theo UBND, khu đất bà H. đề cập trên theo bản đồ địa chính là sông Bình Triệu. Vì vậy, Chủ tịch UBND quận đã buộc bà H. khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất lấn chiếm.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định vị trí khu đất bà H. bị cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả nằm ngoài ranh giấy tờ đất cấp cho đại diện các đồng thừa kế của cha bà. 
Theo tài liệu, phần diện tích đất bị cưỡng chế thể hiện là rạch và theo bản đồ địa chính lập năm 2002 thể hiện là sông. Tại biên bản vi phạm hành chính ngày 2-1-2020, bà H. cũng thừa nhận rằng phần đất bị cưỡng chế nằm ngoài khuôn viên giấy chứng nhận đã được cấp.
Người khởi kiện cho rằng phần đất 797,1m2 là đất thuộc quyền sử dụng của gia đình. Tuy nhiên tờ kê khai nộp thuế đất năm 1993 không thể hiện cụ thể là phần đất nào. Ngoài ra, bà cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh quá trình sử dụng đối với phần diện tích trên.
Như vậy, bà đã có hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Bà không chứng minh được diện tích đất bị xử phạt vi phạm hành chính có kê khai theo quy định pháp luật.
Vì vậy, không có căn cứ để toà chấp nhận yêu cầu khởi kiện huỷ hai quyết định trên. 
Cho rằng án sơ thẩm chưa đánh giá đúng bản chất sự việc và tính hợp pháp của hai quyết định, bà H. kháng cáo yêu cầu tòa sửa án, chấp nhận yêu cầu của bà. Đơn kháng cáo cho là xác định bà H. có hành vi chiếm đất hình thành từ việc đổ đất, đá xuống sông là không đúng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm