Điều đặc biệt về trọng tài và hòa giải trong EVFTA

Hiệp định tự do thương mại Việt Nam (VN) - châu Âu (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu thông qua. Kỳ họp vừa qua Quốc hội cũng đã phê chuẩn EVFTA và được cho là sẽ tác động sâu sắc đến VN từ thương mại, đầu tư đến thể chế.

Đặc biệt, chương 15 của EVFTA về giải quyết tranh chấp đề cập đến hòa giải và trọng tài. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với luật sư Đinh Ánh Tuyết, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), hòa giải viên Trung tâm Hòa giải VN (VMC) thuộc VIAC.

Hai cơ chế có gì mới?

. PV: Thưa bà, trọng tài và hòa giải viên VN đón nhận EVFTA nói chung và những quy định về giải quyết tranh chấp trong hiệp định này như thế nào?

+ Luật sư Đinh Ánh Tuyết: VIAC và các trọng tài viên vui mừng đón nhận việc ký kết EVFTA giữa Chính phủ VN và các nước châu Âu. Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại song phương thông qua hội đồng trọng tài và hòa giải tại chương 15 trong EVFTA là một cơ chế hoàn toàn mới. Cơ chế này quy định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại EVFTA giữa VN và các quốc gia châu Âu và với đối tượng tranh chấp này, có khả năng thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO.

Theo tôi được biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, VN và EU sẽ tiến hành lựa chọn các thành viên có đủ năng lực, kinh nghiệm về luật quốc tế và các vấn đề thương mại để đưa vào danh sách 15 trọng tài viên. Danh sách này gồm năm thành viên có quốc tịch VN, năm thành viên có quốc tịch EU và năm thành viên có quốc tịch nằm ngoài VN hoặc EU, do Ủy ban Thương mại song phương công bố.

Khi có vụ việc tranh chấp, hội đồng trọng tài gồm ba thành viên do các bên lựa chọn từ danh sách 15 trọng tài viên nói trên sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp theo quy định tại chương 15 của hiệp định. Chương 15 này cũng có một quy định riêng về quy tắc hòa giải (Phụ lục 15-C) cho phép các bên, tại bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi vụ việc đang được giải quyết theo cơ chế trọng tài, cũng có thể bắt đầu quy trình hòa giải.

. Vậy chương 15 trong EVFTA về giải quyết tranh chấp có gì mới so với thực tiễn hòa giải và trọng tài tại VN?

+ Thực chất, cơ chế trọng tài và hòa giải quy định tại chương 15 của EVFTA là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia và có nhiều nét tương đồng với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại ban hội thẩm và cơ chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của WTO.

Đây là cơ chế đặc thù được EU đề xuất lần đầu tiên trong hiệp định giữa EU và Canada và lần thứ hai là trong EVFTA. Cơ chế giải quyết tranh chấp này không giống với bất kỳ cơ chế trọng tài nào và hoàn toàn khác biệt với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại VIAC nói riêng và VN nói chung.

Nếu như trọng tài EVFTA đưa ra phán quyết (báo cáo cuối cùng) theo thông lệ tại WTO thì phán quyết chủ yếu sẽ xác định xem bên bị kiện có vi phạm nghĩa vụ hay không. Nghĩa vụ bị vi phạm cụ thể là gì, thuộc loại nào (ví dụ, vi phạm về luật hay vi phạm về việc áp dụng luật) và yêu cầu bên vi phạm phải đưa ra biện pháp khắc phục hợp lý (ví dụ, sửa luật hoặc thay đổi việc áp dụng luật).

Không cưỡng chế thi hành

. Một trong những vấn đề liên quan đến hòa giải và trọng tài là phán quyết phải được công nhận và thi thành. Nhưng chương 15 trong EVFTA không có quy định này, bà đánh giá thế nào?

+ Như tôi đã nói, cơ chế thi hành phán quyết trọng tài quy định tại chương 15 của EVFTA tương tự cơ chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của WTO. Cơ chế này khá phức tạp nhưng về cơ bản sẽ không có phạt vi phạm hay bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận.

Cơ chế này cũng không có việc cưỡng chế thi hành phán quyết (báo cáo cuối cùng) do Hội đồng Trọng tài EVFTA ban hành như các phán quyết trọng tài thông thường. Nó chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thiện chí và nhằm mục đích đem lại công bằng trong thương mại song phương.

EVFTA đưa ra quy định khá cụ thể về thủ tục, các bước thi hành phán quyết trọng tài và biện pháp áp dụng đối với trường hợp không thi hành hoặc biện pháp khắc phục không phù hợp. Trước hết, bên bị phán quyết là vi phạm nghĩa vụ sẽ đưa ra một thời gian hợp lý và tự đề xuất về biện pháp, cách thức khắc phục vi phạm.

Nếu bên bị vi phạm không đồng ý, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài xem xét để đưa ra quyết định về việc này hoặc xác định rằng bên vi phạm đã không tiến hành các biện pháp phù hợp để khắc phục vi phạm trong thời gian hợp lý.

Nếu bên vi phạm vẫn không thi hành phán quyết trọng tài thì theo Điều 15.15 của EVFTA, có thể áp dụng các biện pháp. Thứ nhất, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu và bên vi phạm có thể khắc phục vi phạm bằng cách đưa ra một khoản bồi thường như là một biện pháp khắc phục vi phạm.

Thứ hai, bên bị vi phạm có thể áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách đơn phương ngừng thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ đã cam kết theo EVFTA ở mức độ tương ứng với vi phạm của bên vi phạm.

. Xin cám ơn bà.

Khác biệt giải quyết tranh chấp giữa EVFTA và WTO

Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại chương 15 EVFTA gần giống với cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO nhưng có hai điểm khác biệt lớn.

Thứ nhất là việc giải quyết tranh chấp được thực hiện bởi một hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên được các bên lựa chọn trong danh sách 15 trọng tài viên do Ủy ban Thương mại công bố. Trong hội đồng này có ít nhất một trọng tài viên quốc tịch VN, một người quốc tịch EU và một người không mang quốc tịch của hai quốc gia này. Thứ hai là không có cơ chế phúc thẩm mà tranh chấp chỉ được giải quyết một lần bởi hội đồng trọng tài.

Cần lưu ý, cơ chế giải quyết bằng trọng tài và hòa giải tại EVFTA không thay thế hay làm ảnh hưởng tới việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa VN và các nước thành viên EU theo quy định tại WTO. Nó cũng không thay thế các hiệp định song phương và đa phương khác mà VN và các nước EU là thành viên. Nói cách khác, VN có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra giải quyết tại WTO thay vì đưa ra giải quyết bằng trọng tài hay hòa giải quy định tại EVFTA.

Tuy nhiên, EVFTA không cho phép sử dụng đồng thời nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp để giải quyết cùng một nội dung tranh chấp. Điều đó có nghĩa là nếu một bên, ví dụ như VN, đã gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp (hay đơn kiện) ra giải quyết tại WTO thì không còn quyền đưa yêu cầu này ra trọng tài EVFTA để giải quyết nữa.

Luật sư ĐINH ÁNH TUYẾT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm