Sáng 8-6, Quốc hội đã bấm nút thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với số phiếu tuyệt đối.
Ngay sau khi hai hiệp định trên được Quốc hội phê chuẩn, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: EVFTA sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước. EVFTA sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng, sự phát triển của đất nước sẽ đa dạng hơn. Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, ASEAN và các đối tác khác đều cùng hợp tác với Việt Nam toàn diện hơn.
Thủ tướng cho biết với EVFTA, chúng ta đã kiên trì đàm phán nhiều năm. Điều rất quan trọng là chúng ta tranh thủ thời cơ để làm việc với từng nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu để thuyết phục họ thông qua hiệp định quan trọng này. Bởi vậy, nắm được thời cơ trong việc đàm phán EVFTA là rất quan trọng. Đó là một thành công mà chúng ta đã đạt được dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, của Quốc hội.
Lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Quốc hội, rồi Thủ tướng, các cán bộ ở các bộ như Ngoại giao, Công Thương… không quản đi đến bất kể nước nào, tham gia bất cứ sự kiện, chương trình mang tầm quốc tế nào để thuyết trình về EVFTA, EVIPA. Mục đích là để các nước ủng hộ Việt Nam. Kết quả là EU đã thông qua EVFTA và EVIPA với số phiếu rất cao, mặc dù bối cảnh lúc đó cũng khá phức tạp, không hẳn là thuận lợi.
Theo Thủ tướng, EVFTA được thông qua là một điểm bổ sung cho tăng trưởng của nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam trong năm 2020 cũng như trong tương lai. Đây là một điểm bổ sung quan trọng để Việt Nam có thể thu hút được đầu tư, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hay các giao lưu kinh tế khác.
Thủ tướng cho biết thể chế và cải cách thể chế cũng rất quan trọng trong thực hiện EVFTA. Chính vì vậy, chương trình hành động của Chính phủ đặt ra là phải tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu về thể chế trong EVFTA. Đồng thời, một việc vô cùng quan trọng khác là Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách thể chế để phù hợp với thông lệ quốc tế trong giao dịch, thương mại với EU.
Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam kinh doanh và phát triển. Phải tạo mọi điều kiện để mọi chủ thể kinh tế có thể mau chóng thích nghi với “điều kiện kinh doanh mới”. “Hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài… đều là những thành phần rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam” - Thủ tướng nói với Pháp Luật TP.HCM.
EVFTA: Đánh dấu sự tin tưởng của EU với Việt Nam Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nicolas Audier đã bày tỏ: “Sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà liên minh ký kết hiệp định thương mại tự do”. Ông cũng nhận định EVFTA là sự bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới. “EuroCham cùng với 17 tiểu ban ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai” - Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier bày tỏ. |