Sáng 8-6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Toàn thể đại biểu có mặt tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội đã bấm nút thông qua EVFTA và EVIPA.
ĐBQH bấm nút thông qua EVFTA sáng ngày 8-6. Ảnh: QH
Trước đó, khi đọc báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đối với Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay việc phê chuẩn hiệp định là phù hợp với chủ trương đối ngoại, hướng tới thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và thương mại.
EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may…
Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng tạo ra động lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thể chế.
EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.
Báo cáo cũng cho hay các ĐBQH kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chi tiết; các bộ ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, có biện pháp giữ thị phần, thị trường châu Âu trong đại dịch COVID-19, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nền kinh tế số, nâng cao nguồn lao động, ứng phó rủi ro…
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. Ảnh: QH
Các ý kiến cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan, triển khai hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Vì EVIPA đặt ra những yêu cầu về cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nghị quyết giao cho Thủ tướng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệp định, chuẩn bị nguồn lực để tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế và xây dựng triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định.
Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị định.
Theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Như vậy, với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA hôm nay, Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.
EVFTA tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng của EU với Việt Nam Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA và EVIPA, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nicolas Audier đã gửi thông điệp hoan nghênh. “Sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà Liên minh ký kết Hiệp định Thương mại tự do”, ông Nicolas Audier cho hay. Ông cũng nhận định EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. “EuroCham cùng với 17 Tiểu ban Ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai”, Chủ tịch Nicolas Audier cho bày tỏ. |