Gian lận điểm Hòa Bình: Có thí sinh được nâng gần 27 điểm

Trưa 11-5, sau khi kết thúc phần thủ tục, phiên xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đối với 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi bước sang phần thẩm vấn.

Đại diện VKS công bố bản cáo trạng, cho thấy hàng loạt tình tiết bất ngờ trong vụ án này.

HĐXX vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Ảnh: TP

Lên kế hoạch gian lận trước cả tháng

Đầu tháng 5-2018 (trước kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tháng - PV), ngay tại phòng làm việc của mình, Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng Phòng Khảo thí) bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (cựu phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) nâng điểm thi trắc nghiệm cho một số thí sinh.

Đỗ Mạnh Tuấn đồng ý, đồng thời nói cho Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) biết. Hai bên thống nhất ông Vinh sẽ cung cấp danh sách thông tin thí sinh cần nâng điểm và chìa khóa phòng cất giữ bài thi cho Đỗ Mạnh Tuấn.

Về phần mình, ông Tuấn chuẩn bị đáp án của Bộ GD&ĐT, bút chì, tẩy, dao rọc giấy… mang vào địa điểm tổ chức chấm thi.

Theo nguyện vọng của các thí sinh trong danh sách nâng điểm, tốt nghiệp THPT thì tổng bốn môn là 20 điểm, đỗ đại học thì tổng ba môn 23-25 điểm, riêng xét vào trường công an, quân đội thì tổng ba môn 26-27 điểm…

Vào buổi tối các ngày từ 30-6 đến 3-7, Đỗ Mạnh Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn bóc niêm phong cửa phòng, sử dụng chìa khóa do ông Vinh cung cấp để mở khóa, thực hiện việc nâng điểm.

Quy trình gian lận tiến hành như sau, hai bị cáo dùng dao rạch theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi. Bị cáo lấy bài thi của thí sinh cần nâng điểm đối chiếu với đáp án của Bộ GD&ĐT, tẩy đáp án sai và dùng bút chì tô lại đáp án đúng hoặc tẩy tất cả đáp án của thí sinh rồi tô lại đáp án đúng (theo số điểm yêu cầu).

Làm xong, các bị cáo cất bài thi vào túi đựng, dập ghim hoặc phết hồ dán lên niêm phong để tránh bị phát hiện. Thậm chí khi thấy một số bài thi đã được sửa chữa nhưng chưa như ý, Đỗ Mạnh Tuấn còn tiếp tục lần hai, dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày giờ trên máy tính và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD&ĐT.

Kết quả, 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng điểm. Trong đó, thí sinh được “ưu ái” nhất lên tới 26,45 điểm, tức là khi thi gần như không cần làm bài.

Với môn thi tự luận, Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện việc “sinh mã phách” trái quy định, thay vì lấy ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý.

Bằng thủ đoạn này, Tuấn lấy được mã phách của các thí sinh cần nâng điểm môn ngữ văn, chuyển cho ban làm phách và các bị cáo trong tổ chấm bài thi tự luận để can thiệp vào bài thi. Kết quả, 20 bài thi môn ngữ văn được chấm nâng 1,25-4,5 điểm.

Các bị cáo tại tòa sáng 11-5. Ảnh: TP

“Móc ngoặc” từ trong ra ngoài

Đáng chú ý, cáo trạng xác định bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) có quen biết Đỗ Mạnh Tuấn từ trước, hai người đã nhiều năm tham gia công tác tổ chức thi tại Hòa Bình.

Đầu tháng 5-2018, khi tham gia họp tại Sở GD&ĐT để chuẩn bị cho kỳ thi, ông Chất gặp ông Tuấn, nhờ nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình. Ông Tuấn đồng ý và đề nghị ông Chất tạo điều kiện bố trí nhân sự bảo vệ làm sao để việc nâng điểm được dễ dàng.

Ngày 29-6, ông Chất tới địa điểm chấm thi trắc nghiệm, đưa danh sách 10 thí sinh cho ông Tuấn. Kết quả, cả 10 người đều được nâng điểm.

Ngoài ông Chất, hàng loạt cán bộ công tác trong ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình cũng tìm đến Đỗ Mạnh Tuấn để nhờ nâng điểm cho người quen của mình.

Trong số này có bị cáo Lê Thị Hồng (cựu hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ). Do mối quan hệ thân quen, bà Hồng nhận lời và chuyển thông tin của tám thí sinh cho ông Tuấn, nhờ giúp đỡ để các thí sinh trên đạt điểm cao trong kỳ thi.

Hay như bị cáo Quách Thanh Phúc (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT 19/5), vốn được phân công là phó trưởng ban làm phách, nhờ ông Tuấn nâng điểm cho một thí sinh để xét trúng tuyển vào ĐH Xây dựng.

Nghiêm trọng hơn, ông Phúc đã không làm hết trách nhiệm, để ban làm phách thay vì “sinh mã phách” ngẫu nhiên thì lại nhận mã phách từ ông Tuấn. Đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện để Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm nâng điểm cho 20 thí sinh ở môn tự luận.

Quá trình điều tra, bị cáo Vinh không thừa nhận hành vi chỉ đạo, đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo điều kiện cho bị cáo Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn thực hiện tội phạm. Ông Vinh chỉ thừa nhận đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý chìa khóa phòng chấm thi, bố trí cán bộ và bố trí các phòng trong khu vực chấm thi không hợp lý...

Tương tự, hai bị cáo Đào Ngọc Thuật và Khương Ngọc Chất cũng không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng chỉ nhờ Đỗ Mạnh Tuấn xem điểm chứ không nâng điểm. Dù vậy, cơ quan tố tụng xác định có đủ căn cứ kết tội những người này.

Bản cáo trạng nhấn mạnh việc can thiệp, nâng điểm thi xảy ra tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan chuyên môn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan chức năng nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm