Kháng nghị vụ trưởng ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà khai thác gỗ trái phép

Theo trang thông tin điện tử của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, viện này vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy án sơ và phúc thẩm vụ trưởng ban quản lý rừng cùng thuộc cấp lén khai thác gỗ trong rừng phòng hộ La Ngà (Bình Thuận) để sử dụng cho mục đích cá nhân. Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận cả nước.

Nội dung vụ án, vào khoảng cuối năm 2015 đến tháng 8-2016, Nguyễn Trọng Kiều được giao giữ vị trí trưởng ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo Kiều đã chỉ đạo cho Hồ Quang Đạo (trạm trưởng, ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà) cùng các nhân viên trạm bảo vệ rừng Đa Mi khai thác, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường một vụ phá rừng tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: vkscapcaohcm.gov.vn

Các bị cáo đã nhiều lần thuê người khai thác gỗ trái phép các loại từ nhóm IIA đến nhóm VIII như gõ đỏ, trai đen, sao đen, hương và sến me trong lâm phần thuộc quyền quản lý, gây thiệt hại cho tài nguyên rừng của nhà nước 53,44m3, giá trị lâm sản bị thiệt hại theo định giá là hơn 461 triệu đồng.

Vụ việc bị phát hiện, Nguyễn Trọng Kiều và các đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.

Tuy nhiên, tại bản án sơ thẩm ngày 3-3-2020 của TAND huyện Tánh Linh và bản án phúc thẩm ngày 28-9-2020 của TAND tỉnh Bình Thuận đều xét xử bị cáo Kiều và các đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đánh giá các bị cáo trong vụ án là những người có chức vụ, quyền hạn, là chủ thể đặc biệt được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho chức năng tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích lâm phần được giao, không có chức năng cho phép và tổ chức khai thác cây gỗ rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Nguyễn Trọng Kiều là người đứng đầu lại đề ra chủ trương cũng như tổ chức và chỉ đạo cho Hồ Quang Đạo cùng các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi khai thác, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ.

Trong vụ việc này, Hồ Quang Đạo đã tích cực thực hiện việc tổ chức khai thác gỗ trái phép, lập hồ sơ đối phó với cơ quan chức năng.

Các bị cáo khác biết rõ việc khai thác trái phép gỗ trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ để lấy gỗ cho Kiều sử dụng là trái công vụ nhưng vẫn tích cực làm theo chỉ đạo của Kiều và Đạo nên phải chịu trách nhiệm chung với vai trò là người thực hành tích cực.

VKS cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố các bị cáo về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ và gây thiệt hại cho tài nguyên rừng của nhà nước.

Việc hai cấp tòa xét xử các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là chưa đúng các tình tiết và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm