Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan đến hoạt động tư vấn pháp luật mà Pháp Luật TP.HCM từng có vệt bài phản ánh, phân tích. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT còn có quan điểm khác nhau, đang chờ Thủ tướng phân xử.
Xuất phát điểm của việc tranh cãi này là việc Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ Công văn số 1736/BKHĐT-ĐKKD ngày 7-3-2017 của Bộ KH&ĐT để giải quyết cấp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh “hoạt động pháp luật”, cụ thể là hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên.
Ba lý do cho thấy việc cấp phép sai
Theo Đoàn LS TP.HCM, việc Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ Công văn số 1736 của Bộ KH&ĐT để chấp thuận cấp bổ sung ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” cho Công ty Thuận Thiên là không đúng pháp luật.
Thứ nhất, công văn này do chánh Văn phòng Bộ KH&ĐT ký trả lời Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh không có giá trị của một văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho cả nước đối với hoạt động đăng ký kinh doanh. Thứ hai, công văn này căn cứ Quyết định số 337 ngày 10-4-2007 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong khi quyết định này không còn hiệu lực (đã bị phủ quyết bởi Quyết định số 27/2018 của Thủ tướng).
Thứ ba, Luật LS 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định: “Dịch vụ pháp lý của LS bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác (Điều 4). Tư vấn pháp luật là việc LS hướng dẫn, đưa ra ý kiến giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. LS thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả lĩnh vực pháp luật” (khoản 1 Điều 28).
Tại mục 3 điểm đ Nghị quyết 65/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật LS quy định: “Kể từ ngày Luật LS có hiệu lực, trong thời hạn sáu tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp (DN) năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề LS và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của luật này; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động”.
Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định rằng chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành nghị quyết để giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh. Trong khi đó, Công văn số 1736 nêu trên lại tùy tiện giải thích: Trường hợp cá nhân, tổ chức thành lập DN đăng ký kinh doanh ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” không theo các hình thức hành nghề của LS thì thực hiện đăng ký DN theo quy định tại Luật DN. Việc giải thích như vậy là trái quy định của Luật DN, Luật Đầu tư, Luật LS, vi phạm nghiêm trọng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội.
Từ các phân tích trên, Đoàn LS TP.HCM cho rằng Công văn số 1736 của Bộ KH&ĐT là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Từ đó, Sở KH&ĐT TP.HCM căn cứ công văn này để cấp phép đăng ký bổ sung ngành nghề “hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật, không theo các hình thức hành nghề của LS” cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên là vi phạm pháp luật.
Ngay cả các trợ giúp viên pháp lý ở các trung tâm trợ giúp pháp lý cũng phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Ảnh: HOÀNG GIANG
Coi chừng thành bước thụt lùi
Theo LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, tư vấn pháp luật là một hoạt động chuyên môn đặc thù, đòi hỏi người tư vấn phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Do đó tiêu chuẩn, điều kiện để hành nghề LS (hoạt động pháp luật bao gồm tư vấn pháp luật) được quy định rất chặt chẽ: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân theo hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề LS, đã qua thời gian tập sự hành nghề LS, phải có chứng chỉ hành nghề LS và gia nhập một đoàn LS (Điều 10, 11 Luật LS).
“Trước khi ban hành Luật LS năm 2006, hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý và tư vấn pháp luật diễn ra bát nháo, tràn lan. Chính vì vậy, ngay khi ban hành Luật LS năm 2006, Quốc hội đồng thời ban hành Nghị quyết số 65 về việc thi hành Luật LS, buộc các cá nhân, tổ chức trong kinh doanh dịch vụ pháp lý theo Luật DN nếu muốn tiếp tục kinh doanh thì phải có đủ điều kiện hành nghề LS và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật LS; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động” - LS Trung cho biết.
LS Nguyễn Văn Trung cho rằng việc cấp đăng ký ngành nghề hoạt động pháp luật cho các DN kinh doanh thương mại theo Luật DN là bước thụt lùi. Hậu quả của nó có thể khôi phục tình trạng bát nháo đã xảy ra cách nay 12 năm, vi phạm Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội, không phù hợp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba kiến nghị của Đoàn Luật sư TP.HCM Trên cơ sở những phân tích cặn kẽ, Đoàn LS TP.HCM đưa ra một kiến nghị và hai đề nghị: 1. Kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ KH&ĐT thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật LS; chỉ đạo Bộ KH&ĐT thu hồi Công văn số 1736 ngày 7-3-2017. 2. Đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM thu hồi giấy đăng ký DN đã cấp bổ sung ngành nghề “hoạt động tư vấn pháp luật, chi tiết: Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật (không theo các hình thức hành nghề của LS)” đã cấp cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên. 3. Đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tiến hành kiểm tra hoạt động hành nghề tư vấn pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thuận Thiên và xử phạt vi phạm (nếu có) theo Nghị quyết số 65/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật LS và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Trợ giúp viên pháp lý phải là cử nhân luật trở lên Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trợ giúp viên pháp lý phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghề LS hoặc được miễn đào tạo nghề LS; đã qua thời gian tập sự hành nghề LS hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe; không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật (Điều 19). Với quy định tiêu chuẩn chặt chẽ trên đây, hầu hết các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP.HCM đều là LS thuộc Đoàn LS TP.HCM. |