Gần đây, một luật sư (LS) ở TP.HCM đến TP Hà Nội tham gia phiên tòa nhận thấy có sự khác nhau về việc đứng, ngồi khi tham gia phần hỏi giữa các đồng nghiệp. Vậy pháp luật quy định thế nào về việc này và cách ứng xử thế nào là phù hợp?
Có sự không thống nhất
LS Nguyễn Thế Hữu Trạch (Đoàn LS TP.HCM) cho biết trong thực tế tham gia tố tụng tại các phiên tòa, bản thân ông gặp trường hợp như trên là không hiếm. Có những phiên tòa vụ án xét xử có tính chất phức tạp, LS khi tham gia xét hỏi được ngồi. Tuy nhiên, việc LS ngồi hỏi dựa trên việc đã xin phép và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
Kiểm sát viên và luật sư tham gia xét hỏi tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Hiện chưa có quy định của luật hay quy tắc chuẩn nào buộc LS tại phiên xử khi xét hỏi phải đứng hay ngồi. Tuy nhiên, LS Trạch thấy cần thiết có sự chuẩn mực chung. Trong quá trình cải cách tư pháp, vị trí chỗ ngồi của LS tại phiên tòa đã ngang hàng với đại diện VKS thì nên chăng cũng có sự thống nhất được ngồi hay đứng khi xét hỏi của cả hai bên.
Đồng tình, LS Nguyễn Thế Phong (Đoàn LS tỉnh Long An) cho rằng hiện không có quy định về việc LS đứng hay ngồi khi xét hỏi tại tòa. Không phải chỉ luật mà ngay trong nội bộ ngành cũng không có quy định, việc đứng xét hỏi tại tòa đã thành thông lệ của LS.
Bản thân LS thấy việc đứng xét hỏi lịch sự và cũng dễ thao tác. Ông Phong cho rằng việc đứng khi hỏi, người LS tập trung hơn, chủ động và phần nào dễ tạo sự chú ý cho mọi người tại phiên xử. Khi đứng, LS còn sử dụng cả ngôn ngữ hình thể nên việc hỏi sẽ sinh động.
Nữ LS Đào Thị Bích Liên (Đoàn LS TP.HCM) cùng quan điểm với các nam đồng nghiệp về quy định hiện nay không có mà LS tuân theo thói quen. Từ đó, LS đề nghị nên chăng có một quy định thống nhất liên ngành đồng thời nâng tầm hình ảnh LS hơn nữa.
Việc đứng khi xét hỏi của LS hiện nay tại tòa là thói quen. Đây là vấn đề về mặt hình thức tại phiên xử. Trong phần tranh luận hiện nay, khi phát biểu quan điểm, đại diện VKS đứng trình bày như LS. Vì vậy pháp luật cần quy định rõ LS đứng hay ngồi khi tham gia xét hỏi tạo sự thống nhất, trang nghiêm tại phiên xử. Thẩm phán QUẢNG ĐỨC TUYÊN, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM |
Cần có quy định cụ thể?
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) chia sẻ không phải đến bây giờ mới băn khoăn vì sao khi xét hỏi, đại diện VKS ngồi trong khi LS đứng. Hàng chục năm hành nghề luật và đến nay, LS vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời.
Theo LS Công, chính vì không có quy định nên tạo một sự tùy nghi khi LS tham gia phiên tòa. Trước nay, trong các phiên xử hình sự vẫn cảm giác LS yếu thế hơn VKS. Điều đó có thể lý giải từ quan điểm LS là người tham gia tố tụng, còn VKS là người tiến hành tố tụng.
LS Công cũng chia sẻ thực tiễn hành nghề hiện nay tại các tòa. Như tại các tòa cấp cao, bàn LS rất rộng và thoải mái. Các LS được đứng, ngồi tại bàn khi tham gia các phần trong phiên tòa tạo một sự thuận lợi nhất định. Còn tại TAND TP.HCM, trong các phiên đại án, các LS ngồi phía dưới, đến lượt mình mới lên bục đứng hỏi, tranh luận.
Ngày nay, sau nhiều năm cải cách tư pháp, vai trò vị trí của LS cũng được nâng tầm. Nếu đã tạo điều kiện, bố trí chỗ ngồi của LS ngang với VKS thì nên chăng cũng nên có quy định rõ ràng đứng hay ngồi khi xét hỏi, không tạo sự tùy nghi. Bởi vì việc không rõ ràng sẽ dễ dẫn đến việc xung đột quan điểm giữa các cá nhân là điều không nên. Không phải đứng mới tôn trọng mà ngồi xét hỏi như VKS cũng thể hiện được thái độ tôn trọng của LS tại tòa.
Theo LS Công, cần có quy định cụ thể việc này nhằm tạo sự tôn nghiêm chốn pháp đình và chuẩn mực hình ảnh LS.
Một kiểm sát viên tại TP.HCM cho biết mọi người đều phải đứng dậy khi HĐXX bước vào phòng xử và khi tuyên án. Kiểm sát viên khi xét hỏi bị cáo tại tòa, luật quy định phải xin phép HĐXX. Tuy nhiên, thực tế nếu phiên tòa đông bị cáo, VKS không xin phép nhiều lần mà chủ tọa sau khi HĐXX hỏi xong sẽ mời VKS tham gia xét hỏi. Vì vậy, vị này cho rằng việc đứng hay ngồi xét hỏi nên tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
Chánh án TAND một quận tại TP.HCM bày tỏ quan điểm LS đứng hay ngồi khi tham gia xét hỏi nên tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa được luật và nội quy phiên xử nêu rõ.
Đảm bảo sự trang nghiêm tại phiên tòa Điều 256 BLTTHS 2015, Điều 234 BLTTDS, Điều 153 Luật Tố tụng hành chính và Thông tư 02/2017 của TAND Tối cao quy định người được tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý. Người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi. Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi. Người trình bày ý kiến dù không quy định rõ là người bào chữa của bị can, bị cáo hoặc LS bảo vệ cho người bị hại, đương sự nhưng có thể áp dụng quy định này đối với người bào chữa và LS. Mặt khác, quy định trên cũng đã nói rõ việc người bào chữa, LS được ngồi chỉ xảy ra khi người này gặp các vấn đề về sức khỏe không thể đứng trình bày hoặc đứng hỏi và phải có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Tức là trong điều kiện bình thường, họ phải đứng. Việc LS đứng khi hỏi hoặc tranh luận có ý nghĩa thể hiện sự trang nghiêm của phiên tòa và tôn trọng cơ quan tố tụng cũng như các cá nhân khác tại phiên tòa. Đồng thời, khi người bào chữa, LS đứng hỏi hoặc trình bày, HĐXX sẽ dễ dàng kiểm soát phiên xử hơn vì biết rõ ai đang trình bày ý kiến và trình bày những gì, điều này sẽ rất quan trọng đối với những vụ án mà mỗi bên có nhiều người bào chữa, LS bảo vệ. Điều quan trọng là làm sao để các cá nhân này dù phải đứng tranh luận hoặc đứng hỏi thì vẫn có thể đảm bảo việc ghi ghép tài liệu, đối đáp. Điều này đòi hỏi tòa án phải trang bị các bục hỏi cho LS, người bào chữa. Những bục hỏi được trang bị thiết bị âm thanh cũng như kệ ghi chép sẽ giúp người bào chữa, LS dễ dàng hơn khi phải đứng để hỏi hay trình bày ý kiến. TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM Luật sư ngồi khi hỏi là bất lợi Thực tế tại phiên tòa, phần lớn LS đều đứng khi hỏi hoặc tranh luận. Tại phiên tòa, chỉ có HĐXX nắm quyền điều hành được ngồi khi hỏi. Hành động đứng lên của LS mang ý nghĩa trang trọng mà trước nhất là việc tôn trọng chính nghề của mình, tiếp đến là tôn trọng cơ quan tố tụng và giúp LS có cái nhìn bao quát cả phiên tòa, quan sát được thái độ của bên được hỏi. Tố tụng Việt Nam và thế giới, LS đều phải đứng khi phải trình bày hoặc hỏi và chỉ được ngồi vì lý do sức khỏe, được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi. Tiến trình cải cách tư pháp, vai trò của LS được nâng cao. Hiện nay, tại phiên tòa vị trí ngồi của LS và VKS được đặt ngang nhau và không chỉ LS, VKS cũng phải đứng khi hỏi, trình bày ý kiến. Vì vậy, nếu không vì lý do sức khỏe hoặc sự cho phép của chủ tọa mà LS lại ngồi thì có thể gây ra thiếu thiện cảm, ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của phiên tòa, điều này là bất lợi cho LS. LS NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM TRÚC PHƯƠNG |