TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm đã trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra lại vụ cướp giật tài sản do hai bị cáo Thạch Trung Quốc Hào và Nguyễn Vũ Thanh Tú thực hiện. Trước đó, tháng 11-2019, VKS ra cáo trạng truy tố hai bị cáo về tội cướp giật tài sản theo khoản 4 Điều 171 BLHS 2015 có mức hình phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân, tài sản cướp giật trị giá trên 500 triệu đồng.
Cướp xong bán được 500.000 đồng
Theo hồ sơ, trưa 26-3-2019, tại vòng xoay ngã sáu Phù Đổng và đường Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM), Tú chở Hào ngồi sau áp sát, giật túi cầm tay của anh NBA đang đi bộ trên đường. Sau đó cả hai tăng ga tẩu thoát, người bị hại đuổi theo tri hô nhưng không kịp.
Bên trong túi xách này có 2.000 USD, một điện thoại di động iPhoneX, một điện thoại di động hiệu Vertu và một chiếc bóp nhỏ có 3 triệu đồng cùng một số giấy tờ, thẻ ngân hàng.
Trót lọt vụ cướp giật, khi chia chiến lợi phẩm, Tú lấy 2 triệu đồng, 1.000 USD. Phần Hào hưởng 1 triệu đồng, 1.000 USD và chiếc điện thoại Vertu. Riêng điện thoại iPhoneX, hai bị cáo đem bán được 8 triệu đồng, Hào hưởng 5 triệu đồng và chia cho Tú 3 triệu đồng.
Đối với chiếc điện thoại Vertu, ban đầu Hào giữ sử dụng nhưng ngày 4-4-2019 Hào bán cho một chủ cửa hàng điện thoại di động với giá 500.000 đồng.
Sau năm ngày truy xét, công an đã bắt giữ được Tú và Hào. Cả hai thừa nhận hành vi phạm tội như trên và chỉ điểm nơi bán tài sản để công an thu hồi trả người bị hại.
Theo kết quả định giá ngày 19-6-2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM kết luận: Điện thoại Vertu trị giá 450,3 triệu đồng, iPhone X trị giá hơn 14,6 triệu đồng.
Tổng cộng tài sản hai bị cáo chiếm đoạt là trên 500 triệu đồng.
Hai bị cáo Tú và Hào tại phiên xử. Ảnh: HOÀNG YẾN
Điện thoại được cho là giả
Sau đó, khi VKS chuyển hồ sơ qua tòa để chuẩn bị xét xử thì thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đã trả hồ sơ cho VKS vì không đồng tình với việc định giá tài sản.
Tòa phát hiện chi tiết giá trị chiếc điện thoại sang trọng Vertu được định giá trên 450 triệu đồng nhưng Hội đồng định giá lại cho biết đó là hàng giả. Trong khi đó, Hội đồng định giá giải thích rằng không thể định giá trị hàng giả, chỉ định giá được hàng thật và căn cứ theo giá thị trường.
Khi hồ sơ trả lại, cơ quan tố tụng dựa vào lời khai của người bị hại là anh A. nói mua chiếc điện thoại trên vào ngày 20-4-2016 tại một cửa hàng điện thoại tại Hà Nội. Từ đó, cơ quan tố tụng tìm ra hóa đơn mua bán chiếc điện thoại Vertu có giá 184,8 triệu đồng.
Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo Tôi đồng tình với việc trả hồ sơ của HĐXX để tiến hành định giá lại giá trị chiếc điện thoại. Cơ quan định giá không thể dùng giá trong hóa đơn để tính giá trị của chiếc điện thoại Vertu, vì nó không thể hiện được giá trị thật của tài sản theo luật định. Theo quy định thì Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cũng không thể định giá tài sản là hàng giả. Nếu tài sản là hàng giả không thể định giá được thì nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo để xử lý. Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
Đến tháng 3-2020, VKSND TP.HCM ra cáo trạng mới truy tố hai bị cáo hạ xuống khoản 3 Điều 171 có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù, do chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Theo VKS, Hội đồng định giá kết luận trị giá chiếc điện thoại Vertu 450,3 triệu đồng (là hàng giả nhưng định giá theo giá điện thoại thật). Và tại công văn giải thích vào tháng 2-2020 thì hội đồng này giữ nguyên quan điểm định giá chiếc Vertu theo giá hàng thật. Từ đó, VKS xác định giá trị thực tế của chiếc điện thoại Vertu trong vụ án theo giá hóa đơn.
Tuy nhiên, khi mở phiên xử, HĐXX lại trả hồ sơ cho VKS. Theo tòa, mấu chốt của vụ án này là việc giá điện thoại Vertu tang vật. Bởi việc định giá có ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định khung hình phạt đối với các bị cáo.
HĐXX không đồng tình với việc áp giá trị chiếc điện thoại theo hóa đơn trong cáo trạng vì nó không phải là kết quả được luật quy định. Đó là chưa kể đến việc trượt giá điện thoại sau thời gian sử dụng.
Có mặt tại tòa, đại diện Hội đồng định giá giữ quan điểm chỉ có thể định giá hàng thật. Nếu phải định giá lại, hội đồng này cần phải có được các tài liệu tin cậy mới tiến hành được. Tại tòa, hai bị cáo cũng đề nghị xem xét lại giá trị thực sự của chiếc điện thoại Vertu này, trước khi HĐXX quyết định trả hồ sơ.
Chúng tôi sẽ cập nhật diễn biến mới của vụ án hy hữu này.
Một số vụ án liên quan đến điện thoại Vertu Tháng 11-2019, TAND TP.HCM tuyên phạt Bùi Văn Thanh (sinh năm 1977) và Thạch Cang (sinh năm 1994) mỗi bị cáo 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Theo đó, tháng 10-2018, anh T. chạy ô tô chở chị D. từ quận Gò Vấp về quận 9. Trên đường đi, do cãi nhau nên cả hai ra khỏi xe và anh T. để lại trên ghế tài xế túi xách hiệu LV bên trong có 100 triệu đồng, điện thoại iPhone và Vertu cùng một số giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, anh T. chỉ đóng cửa lại nhưng không chốt cửa, một lúc sau quay lại thì mất túi xách. Qua trích xuất camera, công an xác định Thanh và Cang lấy trộm. Theo kết luận định giá, tổng giá trị tài sản hai bị cáo lấy trộm cắp là hơn 574 triệu đồng (riêng chiếc điện thoại Vertu được định giá là 450 triệu đồng). Tháng 3, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Hòa (sinh năm 1971, ngụ quận 10, chạy xe ôm) chín năm tù về tội trộm cắp tài sản. Vợ của Hòa là Đào Thị Thu Hồng (sinh năm 1977) bị tòa tuyên phạt ba năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trước đó, Hòa chạy đến chùa Vĩnh Nghiêm (phường 7, quận 3, TP.HCM) mang theo cây nhíp dài đã chuẩn bị để gắp trộm tiền trong hòm công đức ở chùa. Khi đến thùng công đức khu chính điện, Hòa nhìn thấy túi da màu nâu của ông PVT đặt gần không có người trông coi. Hòa lén lút lấy túi da giấu vào bên trong áo đang mặc rồi đi bộ ra ngoài lấy xe chạy về. Hòa cầm túi về nhưng do có khóa mã số nên lấy dao lam rạch, thấy bên trong có 4,8 triệu đồng, 10.000 yen Nhật và điện thoại di động Vertu màu vàng (được cơ quan tố tụng định giá hơn 484 triệu đồng). |