Liên quan việc nam tiếp viên hàng không – BN 1342 vi phạm các quy định cách ly, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS.
Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm được các cơ quan chức năng xác định chưa tới mức xử lý hình sự thì có thể phạt hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 117/2020 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
Vậy còn trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại (BTTH) do hành vi nguy hiểm của BN 1342 được pháp luật quy định như thế nào khi mà thiệt hại gây ra cho xã hội là rất lớn?
Khu cách ly của Vietnam Airlines. Ảnh: MINH CHUNG
Theo ThS Huỳnh Thị Nam Hải, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (TNBTTH) như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…”.
Do đó, người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus thuộc đối tượng phải cách ly nhưng không tuân thủ quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác làm lây lan dịch bệnh thì hành vi đó bị xem là hành vi trái pháp luật và nếu gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu TNBT.
Những người bị thiệt hại có thể kể đến như: người tiếp xúc bị buộc phải cách ly hoặc bị lây nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng...
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc BTTH. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
“Cần lưu ý rằng, khi yêu cầu bồi thường, bên bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại mà mình phải gánh chịu do hành vi trái pháp luật của người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus gây ra”, ThS Nam Hải nói.
Về mức bồi thường, trong trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường theo quy định tại Điều 590, 591 BLDS.
Cũng theo ThS Nam Hải: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe, tính mạng của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại theo quy định.
Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức BTTH do tổn thất về tinh thần, nếu không thỏa thuận được thì bồi thường theo quy định của pháp luật (tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm và tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm).
“Còn trong trường hợp người tiếp xúc bị buộc phải cách ly theo quy định thì có thể yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại mà mình phải gánh chịu như thu nhập thực tế bị mất trong những ngày bị áp dụng biện pháp cách ly; chi phí thực tế khác phát sinh từ việc cách ly”, ThS Nam Hải cho biết.