Ông Đinh La Thăng: 'Ai trực tiếp thực hiện, người đó chịu'

Ngày 17-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi vụ sai phạm tại cao tốc Trung Lương - TP.HCM.
“Quy trách nhiệm hình sự tôi là áp đặt”
Luật sư của bị cáo Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT) cho rằng bị cáo Dương Thị Trâm Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Cửu Long) tự biết Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) có quan hệ với lãnh đạo cấp cao chứ không phải do ông Thăng chi phối. Những lời khai có lợi này cho thân chủ lại không được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng. Từ đó, luật sư đề nghị công bố bút lục làm rõ có hay không việc trao đổi nói Hệ có quan hệ thân thiết với các cấp lãnh đạo.
Trả lời tại tòa, bị cáo Hệ khai chỉ dùng một số điện thoại duy nhất và ông Thăng không giới thiệu mình với Dương Tuấn Minh (cựu tổng giám đốc Công ty Cửu Long), trước khi gặp Minh thì không gọi điện thoại. Cuối năm 2013, bị cáo đến gặp Minh thông qua thời sự trên VTV1 thì biết Công ty Cửu Long đang bán quyền thu phí. 
Nói tại tòa, ông Thăng cho rằng mình tôn trọng VKS nhưng nội dung cáo trạng là suy diễn, không có căn cứ, không khách quan. “Tôi không dùng bất kỳ ảnh hưởng nào, bút phê nào để tác động cho Hệ tham gia dự án” - bị cáo nói.
Bị cáo Thăng khẳng định toàn bộ các bút phê, văn bản bị cáo ký đều đúng pháp luật và đúng thẩm quyền vào thời điểm đó, dựa trên các cơ quan tham mưu. “Phê duyệt tôi bút phê rất rõ ràng, bất kỳ ai ở cương vị bộ trưởng cũng chỉ ký được như thế” - bị cáo nói. 
Về việc chịu trách nhiệm chính trong vụ án, ông Thăng cho rằng trước Đảng, Chính phủ thì xin chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm là người đứng đầu, trách nhiệm hành chính, truy tố trách nhiệm hình sự là không có căn cứ.
“Quy trách nhiệm hình sự tôi là quá áp đặt, quy chụp, không khách quan” - ông Thăng nêu quan điểm. Từ đó, bị cáo hoàn toàn phủ nhận vai trò chính trong vụ án này. Ông Thăng cũng đưa ra quan điểm chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu, ai trực tiếp thực hiện người đó tự chịu.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ai là người thiệt hại 725 tỉ đồng?

Vấn đề nổi lên trong vụ án là số tiền 725 tỉ đồng thất thoát thì ai thiệt hại, bồi thường ra sao. 
Ông Thăng cho rằng sau khi hợp đồng mua bán quyền thu phí có hiệu lực, tiền thu về từ hoạt động thu phí thuộc về Công ty Yên Khánh theo đúng quy định pháp luật. Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, Bộ GTVT sẽ yêu cầu đơn vị đứng ra nhận ủy quyền ký hợp đồng với doanh nghiệp giải quyết. Một lần nữa, bị cáo nhắc lại mọi việc bị cáo đều giao thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đó. 
“Bộ GTVT thực hiện quyền quản lý nhà nước về dự án. Tiền của doanh nghiệp, sao Bộ GTVT can thiệp được” - bị cáo Thăng tỏ ra khá gay gắt.
Luật sư của ông hỏi đại diện Bộ Tài chính có xác định số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỉ đồng là cao hay thấp hay không. Vị đại diện cho rằng bộ đã có văn bản quy định về các chỉ tiêu và các văn bản này đã gửi đến Bộ GTVT. Còn Bộ Tài chính không có thẩm quyền để đánh giá số tiền định giá đó là cao hay thấp. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra không có trao đổi và bộ cũng không có văn bản nào khẳng định việc định giá như vậy là cao hay thấp.
Cạnh đó, đại diện Bộ GTVT cũng trả lời đối với dự án này, hợp đồng đã ký năm năm và Bộ GTVT đã thu đủ hơn 2.004 tỉ đồng theo hợp đồng.
Luật sư đặt nhiều câu hỏi trong vụ án này, Bộ GTVT có thiệt hại không, bao nhiêu, yêu cầu bồi thường thế nào, ai bồi thường…
Đại diện Bộ GTVT cho rằng việc xác định có thất thoát hay không, Bộ GTVT không có chức năng xác định và sẽ tôn trọng phán quyết của tòa.
Bị cáo Minh trình bày: Công ty Cửu Long nhận trách nhiệm bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và có trách nhiệm đôn đốc Công ty Yên Khánh nộp tiền theo hợp đồng đã ký với số tiền 2.004 tỉ đồng.
Cựu thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khai số tiền Công ty Yên Khánh thu được bao nhiêu thì các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chứ không phải toàn quyền thu bao nhiêu là thu. Tổng Công ty Cửu Long phải kiểm tra việc Công ty Yên Khánh thu phí đường bộ. Việc thu phí phải đúng quy định pháp luật. Công ty Yên Khánh lắp các phần mềm can thiệp là sai hợp đồng.
Về phía Công ty Yên Khánh, bị cáo Phạm Văn Diệt (người được Hệ giao quyền điều hành công ty) khai theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh được quyền thu phí năm năm và đóng lại cho Công ty Cửu Long 2.004 tỉ đồng. Việc lời lỗ do Công ty Yên Khánh chịu.

 Lý do công ty của Út “trọc” được ưu ái 

Bị cáo Dương Thị Trâm Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Cửu Long) cho rằng dự án trên giao cho phòng đầu tư quản lý đấu thầu tìm hiểu các đơn vị nộp đơn đấu thầu. Có bốn đơn vị tìm hiểu nhưng họ không nộp hồ sơ đấu giá vì giá khởi điểm quá cao. Sau đó, Công ty Yên Khánh (của Út “trọc”) trúng đấu giá 2.004 tỉ đồng.

Hồ sơ thể hiện bị cáo Trâm Anh tự biết việc Hệ có quan hệ thân quen rất nhiều lãnh đạo nên tổ thường trực giúp việc có ưu ái cho Công ty Yên Khánh trong việc không tổ chức đấu giá, không họp đúng quy trình do thời gian quá gấp không thể triệu tập năm cơ quan họp cùng lúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm