Theo báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2021 của Cục THADS TP.HCM, cục hiện gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội. Qua đó, một số quy định tại Nghị quyết 42 liên quan đến hoạt động THADS còn mâu thuẫn chậm được hướng dẫn, tháo gỡ.
Cụ thể, đối với những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bị kê biên để thi hành án (THA) theo Điều 90 Luật THADS thì xử lý như thế nào? Tiếp tục kê biên hay dừng lại, khoản chi phí đã phát sinh ai là người phải chịu.
Cục THADS TP.HCM nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức THA. Ảnh: Cục THADS cung cấp
Việc xử lý tài sản bảo đảm theo bản án để THA cho các ngân hàng (không phải trường hợp xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THADS) thì ngân hàng không đồng ý cho cơ quan THA trích từ tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân và các loại phí (nếu có) cho chủ tài sản cũ.
Việc này dẫn đến việc người mua được tài sản không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng và đăng bộ sang tên đối với quyền sử dụng đất trúng đấu giá. Vì vậy, hiện nay nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá đang khiếu nại do không làm được thủ tục sang tên.
Ngoài ra còn có vướng mắc khác như tình trạng các ngân hàng chủ động xử lý tài sản thế chấp đảm bảo nợ vay, sau khi hạch toán, số dư nợ còn lại ngân hàng có đơn yêu cầu THA, việc thụ lý thi hành các hồ sơ loại này gây nhiều khó khăn cho cơ quan THA khi người phải THA không còn điều kiện để thi hành.
Một số nội dung bản án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành nên mất nhiều thời gian để đợi tòa án giải thích. Một số bản án tuyên nghĩa vụ liên đới bồi thường nhưng không xác định kỹ phần của mỗi người phải THA nên việc THA bị kéo dài không giải quyết dứt điểm được. Lý do là chỉ cần một người còn điều kiện THA thì vẫn phải tiếp tục tổ chức THA, trong khi những người khác không còn tài sản, không có điều kiện THA.
Một số tài sản kê biên là vốn góp, cổ phần, cổ phiếu chưa niêm yết, tài sản dự án hình thành trong tương lai… đây là những tài sản chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức xử lý nên các cơ quan THADS gặp nhiều lúng túng trong quá trình xử lý như vụ Trần Phương Bình.
Một số tài sản kê biên xử lý là quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp hết hạn sử dụng toàn bộ hoặc hết hạn một phần mà người phải THA (hoặc người bảo lãnh) không hợp tác với cơ quan THA để làm thủ tục gia hạn thời hạn QSDĐ.
Đối với các QSDĐ đã hết thời hạn sử dụng một phần, nếu không chia tách ra để phát mãi thì sẽ dẫn đến việc phần diện tích đất còn thời hạn sẽ hết thời hạn sử dụng. Nếu chia tách để phát mãi có thể làm giảm giá trị tài sản và phát sinh thêm chi phí trong quá trình tổ chức phát mãi tài sản nếu phần diện tích đất hết hạn sau này được quyền phát mãi thu hồi nợ.
Do đó, Cục THADS TP.HCM cho rằng rất cần có sự phối hợp giữa các ban ngành trung ương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối với QSDĐ là đất nông nghiệp đã hết hạn.
(PLO)- Từ ngày 1 đến ngày 31-10, cá nhân, tổ chức đến trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) để giải quyết các thủ tục về THADS phải được tiêm hai mũi vaccine COVID-19.