Tại phiên thảo luận, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao, vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm nhiều là chính sách đãi ngộ, thu nhập của thẩm phán, kiểm sát viên.
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, phát biểu. Ảnh: Đ.MINH
Đãi ngộ thấp, nhiều người nghỉ việc
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho hay qua tìm hiểu, ông thấy mức lương của thẩm phán tòa án cấp tỉnh, công tác gần 20 năm cũng chỉ tương đương mức lương thiếu úy của lực lượng vũ trang.
“Như vậy, mức lương của thẩm phán sơ cấp ở cấp huyện sẽ thấp hơn nhiều và có tương xứng hay không? Tìm hiểu thêm, tôi được biết đã có nhiều ý kiến về mức lương thẩm phán nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi” - ông Phương băn khoăn.
ĐB tỉnh Tây Ninh cũng dẫn số liệu từ TAND Tối cao cho thấy tính đến ngày 30-9-2020, cả nước hiện có gần 6.200 thẩm phán và hơn 6.800 thẩm tra viên. “Tôi được biết hiện tòa án cấp huyện chỉ có ba thẩm phán đồng thời kiêm nhiệm luôn là lãnh đạo. Nếu tăng lương cho đội ngũ cán bộ này cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước nhưng sẽ đảm bảo được mục tiêu đặt ra” - ông Phương phân tích.
Cho rằng những người nhân danh Nhà nước, nhân danh quốc thể để ra phán quyết là rất cao quý, ông Phương đề nghị cần có sự chăm lo một cách thiết thực cho đội ngũ này, từ đó hoàn thành được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp.
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), đãi ngộ của Nhà nước đối với cán bộ, công chức của ngành tư pháp hiện nay “rất khiêm tốn”. Hệ lụy là một số cá nhân, cán bộ chưa gắn bó thiết tha với ngành, cá biệt có một số xin nghỉ việc dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”.
“Tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành tư pháp, trong đó có hệ thống tòa án và kiểm sát, để có thể thu hút được những nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra” - ông Chính nói.
Cần cơ chế bảo vệ thẩm phán
ĐB Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng ngành tư pháp nói chung, tòa án và VKS nói riêng thời gian qua chịu áp lực rất lớn.
Nguyên nhân bởi những quy định mới của pháp luật về tăng thẩm quyền, mở rộng phạm vi kiểm sát, phạm vi xét xử. Cạnh đó, những quy định mới trong các luật tố tụng cũng đặt ra ngày càng nhiều yêu cầu chặt chẽ, khắt khe. Chưa kể tới số lượng án của chúng ta ngày càng tăng, hành vi phạm tội, thủ đoạn phạm tội càng ngày càng xảo quyệt…
Trong khi đó, tòa án, VKS cũng như các cơ quan khác đều đang thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. “Tôi nghe thông tin một số nơi, các kiểm sát viên, thẩm phán xin chuyển ngành bởi vì có áp lực rất lớn, phải chịu trách nhiệm trước sinh mệnh chính trị của một con người trong điều kiện áp lực như vậy” - ông Bình nói.
Khẳng định chủ trương trong tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy là cần thiết, đúng đắn, tuy nhiên ông Bình cho rằng cần đánh giá, xem xét toàn diện, không phải chỗ nào cũng phải tinh gọn, chỗ nào cũng phải giảm trong khi áp lực.
“Tôi nghĩ quan trọng nhất là cần phải củng cố đầy đủ về con người. Phải đủ được số lượng kiểm sát viên, thẩm phán, các chức danh tư pháp để đảm bảo hoạt động chặt chẽ hơn. Tiếp đó là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc khi mà chúng ta triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự vẫn còn rất chậm” - ông Bình nêu quan điểm.
Trong khi đó, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) lại kiến nghị khi sửa đổi luật tổ chức TAND, VKSND cần có những quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ đối với những người làm công tác tư pháp.
“Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử một vụ án theo trình tự giám đốc thẩm thôi cũng đã áp lực rồi. Chúng tôi hằng ngày đều phải xét xử những vụ án, thậm chí là tuyên tử hình, chung thân bị cáo, rồi nguyên đơn, bị đơn, bên được, bên mất… áp lực rất là nhiều” - ông Hữu nói.
Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cho hay điện thoại của ông liên tục nhận được tin nhắn khủng bố, chửi bới, “thậm chí có những lời lẽ không thể nào diễn tả được của đương sự nhắn”. Ông cũng dẫn trường hợp thẩm phán ở Hà Nội bị tạt acid, phải trải qua hàng chục lần phẫu thuật đau đớn…
Ông Hữu tiếp: “Ngoài chế độ, chính sách, về mặt pháp luật cũng phải có cơ chế để bảo vệ. Nếu chúng ta làm tốt những việc này thì hoạt động của cơ quan tư pháp trong thời gian tới sẽ có hiệu quả nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa…”.
Một thư ký phải giúp việc cho ba thẩm phán Hiện nay, tỉ lệ thẩm phán và thư ký tại các tòa án địa phương có sự mất cân đối, một thư ký phải giúp việc cho ba thẩm phán. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như không phân định rạch ròi trách nhiệm trong tố tụng, dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho hoàn cảnh khi có sai sót… Sự mất cân đối này cũng dẫn đến sự hụt hẫng về nguồn nhân lực về sau, khó khăn trong công tác cán bộ, đến khi khủng hoảng trầm trọng mới có giải pháp lấp đầy thì có thể tiếp tục tạo ra mất cân đối khác. Vì vậy, tôi đề nghị chánh án TAND Tối cao quan tâm, có giải pháp giải quyết tình trạng nêu trên. Phó Chánh án TAND TP.HCM TRỊNH NGỌC THÚY (Đoàn ĐBQH TP.HCM) |