Tòa kết tội năm bị cáo vụ cưa gỗ khô, nhiều người khóc nức nở

Chiều 12-8 thời điểm trước khi TAND tỉnh Kon Tum chuẩn bị tuyên án thì tất cả cửa bên hông phòng xử bị khóa chặt. Cảnh sát cơ động lập hàng rào chắn ngay cửa ra vào, không cho người dân vào nghe tuyên án.

Theo TAND tỉnh Kon Tum, hành vi của các bị cáo là lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy chặt trộm khúc cây. Mặc dù đây là rừng tự nhiên nhưng nhà nước có bỏ tiền để đầu tư trồng thêm cây nên việc các luật sư cho rằng đây là rừng tự nhiên là chưa hiểu đúng bản chất của rừng này.

Từ đó, tòa giữ nguyên tội danh về tội trộm cắp tài sản đối với năm bị cáo. Tuy nhiên, tòa có xem xét giảm nhẹ hình phạt cho năm bị cáo so với cấp sơ thẩm. Cụ thể, tòa phạt bị cáo Lê Quốc Khánh 12 tháng tù, Phan Tiến Dũng 10 tháng tù, ba bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình mỗi bị cáo 6-8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Sau khi bản án bị giám đốc thẩm, năm bị cáo đã bị TAND tỉnh Kon Tum kết tội trộm. Ảnh: NGÂN NGA

Nếu như trước giờ tuyên án, nhiều người phản ứng đòi được vào phòng xử án để nghe tòa tuyên án thì khi nghe tòa kết tội các bị cáo thì họ ôm các bị cáo òa khóc nức nở.

Trao đổi với PLO, luật sư Lê Văn Hoan (luật sư bào chữa cho năm bị cáo) thất vọng: “Việc tòa án cho rằng đây là rừng tự nhiên nhưng lại xét xử về tội trộm cắp tài sản là trái với Thông tư liên tịch 19. Tòa cho ba bị cáo hưởng án treo là giảm nhẹ so với TAND huyện Đăk Hà nhưng chúng tôi không đồng tình với bản án này. Với tư cách là người bào chữa, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ án, khiếu nại bản án này đến các cấp có thẩm quyền để xem xét thủ tục giám đốc thẩm”.

Bị cáo Phan Tiến Dũng vừa ra khỏi phòng xử đã được người thân ôm chầm lấy khóc nức nở và chỉ nói ngắn gọn với phóng viên: “Tôi thấy tòa tuyên vậy là không công bằng đối với chúng tôi”.

Người thân ôm chầm các bị cáo khóc nức nở. Ảnh: NGÂN NGA

Ngay sau kết thúc phiên xử phóng viên đã liên hệ gặp thẩm phán Đỗ Thị Kim Thư chủ tọa phiên tòa cũng là Phó Chánh án TAND tỉnh để phỏng vấn nhưng được trả lời là thẩm phán bận việc...
Tại phiên tòa ngày 9-8, đại diện VKSND tỉnh Kon Tum đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đăk Hà về tội danh trộm cắp tài sản. Đồng thời, VKS đề nghị tòa tuyên y án đối với bị cáo Phan Tiến Dũng 12 tháng tù, bị cáo Lê Quốc Khánh 14 tháng tù, riêng ba bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ thì VKS đề nghị cho hưởng án treo.
Bào chữa cho năm bị cáo gồm có năm luật sư Lê Văn Hoan, Nguyễn Thị Kim Vinh, Nguyễn Thành Công, Vũ Phi Long (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) và luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Đồng Nai) đều khẳng định hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Bởi lẽ theo Thông tư 19/2007 và Nghị định 157/2013 thì rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Do đó, chỉ có thể xử phạt hành chính vì năm bị cáo khai thác khúc gỗ trắc chết khô chỉ với khối lượng 0,123 m3 (dưới 5 m3).

Ngoài ra, các luật sư còn dẫn chứng một loạt những bản án mà trong đó có những bị cáo có hành vi tương tự như trong vụ án này nhưng không địa phương nào trên cả nước xử lý tội trộm cắp tài sản. Cạnh đó, ngay cả Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy cũng chỉ xử phạt hành chính đối với các đối tượng vào chặt gỗ có giá trị cao hơn so với vụ án này nhưng cũng chỉ phạt hành chính (do khai thác dưới 5 m3). “Vậy tại sao trong vụ này không phạt hành chính mà lại xử lý hình sự?” - luật sư Vũ Phi Long nêu vấn đề.

Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng không áp dụng Thông tư liên tịch 19 và 157 mà chỉ áp dụng Điều 138 BLHS 1999 (tội trộm cắp tài sản): “Chúng tôi không ép các bị cáo phạm tội. Nhưng vì chúng tôi bảo vệ lợi ích lớn lao cao cả hơn là bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy nên chúng tôi không áp dụng Thông tư liên tịch 19, Nghị định 157 mà chúng tôi áp dụng bộ luật cao hơn là Điều 138 của BLHS 1999. Chúng tôi tự tin về điều này vì căn cứ của chúng tôi được hai cấp TòaTối cao và Cấp cao thừa nhận là phải xử tội trộm cắp”.

Lập tức luật sư Vũ Phi Long phản bác lại: “Chúng tôi không bao giờ nói rằng hành vi của các bị cáo là đúng. Nhưng để xử lý các bị cáo thì phải căn cứ vào việc xâm phạm khách thể nào thì xử lý ở tội đó. Đại diện VKS dám ngang nhiên tại phiên tòa nói rằng không áp dụng Thông tư liên tịch 19, thậm chí còn so sánh rằng nếu trên 5 m3 mới xử lý hình sự thì chặt hết khu rừng này thì còn gì là rừng đặc dụng. Thưa với đại diện VKS, thông tư đưa ra con số này chứ không phải luật sư đưa ra. Luật là do Quốc hội làm ra và thông tư là những người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành soạn thảo ra hướng dẫn thực hiện và có cả viện trưởng VKSND Tối cao tham gia. Nhưng giờ VKS lại bảo không áp dụng là sao?”.

Năm bị cáo kiên quyết kêu oan: “Chúng tôi mong rằng tòa xử đúng người, đúng tội. Nếu xử chúng tôi ở tội trộm cắp thì tôi mong tòa và VKS hãy có một văn bản kiến nghị ông Nguyễn Trí Tuệ (Phó Chánh án TAND Tối cao) kháng nghị tất cả những bản án trước kia các tòa từng xử về tội khai thác trái phép” - bị cáo Nguyễn Văn Bảy bức xúc khi nói lời nói sau cùng.

Như PLO thông tin, một trong những điểm đáng chú ý ở vụ án là tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên bố cả năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản.

Sau đó, năm bị cáo gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đăk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì tòa này từ chối nhận đơn vì cho rằng đang chờ quyết định giám đốc thẩm. Đúng 24 ngày sau (kể từ ngày tòa huyện từ chối nhận đơn), Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu xử năm bị cáo có tội trở lại.

Tháng 6-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mới đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm do Chánh án Nguyễn Anh Tiến làm chủ toạ. Tòa này đã hủy bản án từng tuyên năm bị cáo không phạm tội để yêu cầu TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm trở lại theo hướng có tội.

Đồ họa HOÀNG QUYÊN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm