Vụ cưa gỗ khô: 'Cần trả lại sự trong sáng của pháp luật'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ cưa gỗ khô, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn với nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP Đà Nẵng).

Ông Sơn là một trong các ĐBQH từng rất nhiều lần lên tiếng, từ bằng văn bản cho tới phát biểu trực tiếp tại nghị trường QH về những điểm chưa ổn trong áp dụng pháp luật trong vụ án này.

Năm người dân từng được TAND tỉnh Kon Tum tuyên không phạm tội vào năm 2018. Ảnh: NGÂN NGA

“Chưa có vụ nào xử như vậy cả”

. Phóng viên: Thưa ông, động lực nào thôi thúc ông luôn quan tâm, theo dõi sát tới vụ án?

+ Ông Nguyễn Bá Sơn: Khi đó tôi là ĐBQH, tôi có điều kiện được nghiên cứu, theo dõi vụ án này từ mấy năm trước, tôi đã tiếp cận đơn, hồ sơ mà các bị cáo, các luật sư gửi đến Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Ngay từ giai đoạn đầu, tôi đã nhận thấy việc kết tội các bị cáo trong vụ án này về tội danh thuộc chương “Xâm phạm quyền sở hữu” là không ổn.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Tư pháp QH, đồng thời là đại diện của cử tri, cùng với các ĐB khác, tôi có trách nhiệm giúp QH giám sát một cách toàn diện quá trình giải quyết vụ án này để xem xét, kết luận có hay không việc vi phạm pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật ở hai cấp xét xử nói trên.

. Ông đánh giá gì về kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng?

+ Trước hết, tôi xin khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng là có căn cứ vững chắc và tôi tin tưởng vào điều đó.

Trở lại với nội dung của vụ án. Từ những nội dung mà trước đây tôi được đọc và qua thông tin của báo Pháp Luật TP.HCM, tôi thấy rằng hành vi của năm bị cáo vào rừng đặc dụng chặt một khúc cây chết khô, đối chiếu với BLHS 1999 thì hành vi này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng quy định tại Điều 175 BLHS 1999.

Có lẽ cần nói thêm là theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp tại thời điểm xảy ra vụ án trên thì có trên 1.500 vụ án tương tự trên toàn quốc, được xử lý về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng TAND cấp sơ thẩm huyện Đăk Hà và xét xử phúc thẩm lần ba, TAND tỉnh Kon Tum lại áp dụng Điều 138 BLHS tội trộm cắp tài sản thật sự là điều lạ và khó hiểu trong việc áp dụng pháp luật.

Pháp luật phải được hiểu thống nhất

. Căn cứ vào đâu mà ông đưa ra quan điểm như vậy?

+ Về quy định chuyên ngành và áp dụng quy định chuyên ngành, tại Thông tư liên tịch 19/2007 hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với tội danh, hành vi vi phạm công tác quản lý và bảo vệ rừng và hành vi nào là phạm tội xâm phạm quyền sở hữu. Rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên nên không thể áp dụng Điều 138 BLHS 1999 để xử các bị cáo (vì không phải chủ rừng) về tội trộm cắp tài sản được.

Cũng chính vì điều này mà đã nhiều lần tôi có văn bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ QH, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao, chất vấn tại nghị trường đề nghị xử lý vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Quan điểm của tôi về vụ án không phải là chủ quan, mà còn phù hợp với quan điểm của nhiều ĐBQH am hiểu và chuyên sâu về pháp luật trong Ủy ban Tư pháp đồng tình, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Nguyễn Đức Sáu...

Do đó, tôi thấy việc VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành kháng nghị giám đốc thẩm là phù hợp và có căn cứ. Trong kháng nghị cũng đã nói bật một ý rất hay, đó là tất cả những ai vi phạm pháp luật phải được xử lý bình đẳng như nhau. Không thể vì không đủ căn cứ xử lý tội danh theo Điều 175 thì các cơ quan tố tụng xoay chuyển bằng cách định giá khúc gỗ ra tiền để xử lý hình sự ở Điều 138.

. Ông trông chờ gì về kết quả phiên tòa giám đốc thẩm tới đây của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng?

+ Trước hết, về quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách hình sự thì việc phục vụ yêu cầu tình hình chính trị ở bất cứ địa phương nào hay trên địa bàn toàn quốc, trước hết là bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng phải được phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để, xử lý nghiêm khắc, không để oan sai, không được bỏ lọt tội phạm. Xin nói rằng điều này đã được thể chế đầy đủ tại Nghị quyết 96 QH khóa XIII, nay vẫn còn hiệu lực.

Chúng ta cần phải trả lại sự đúng đắn và trong sáng của pháp luật. Pháp luật phải được hiểu một cách thống nhất và xuyên suốt, không ai có thể nhân danh bất cứ lý do gì để cố tình hiểu lệch đi sự thật.

Tôi tin rằng muốn đáp ứng việc phục vụ yêu cầu chính trị địa phương phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trên tinh thần tuân thủ và thượng tôn pháp luật. Một quốc gia mà ở đó, việc vi phạm pháp luật của cơ quan bảo vệ pháp luật được giải thích bằng những lý do không đúng quy định của pháp luật thì không thể có nhà nước pháp quyền.

 

Chấp hành án xong vẫn kiên trì kêu oan

Tháng 4-2016, anh Lê Quốc Khánh xin anh Phan Tiến Dũng (kiểm lâm viên) vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô. Cả nể vì anh Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp, anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng ba người khác vào rừng cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Tháng 9-2016, TAND huyện Đăk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm hủy bản án này.

Tháng 9-2017, TAND huyện Đăk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt các bị cáo 11-14 tháng tù. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. Sau đó, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm từng tuyên năm bị cáo không phạm tội, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Xét xử phúc thẩm lần ba năm 2019, TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản. Sau khi thi hành án xong, năm bị cáo tiếp tục kêu oan.

Ngày 17-3, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng kết tội năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm