Theo kháng nghị của VKSND Tối cao, trong vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Từ đó, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xét xử bị cáo Hồ Duy Hải về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tọa: Không đưa lời khai ban đầu của Hải vào hồ sơ là sai
Tại phiên làm việc chiều nay, Hội đồng chất vấn cơ quan điều tra về dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Tài liệu nào cho biết đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn My Sol? Trong hồ sơ chỉ có lời khai của Nguyễn My Sol với tư cách nhân chứng nhưng không có lời khai của Nguyễn Văn Nghị?...
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm. Ảnh: TTC
Trả lời, điều tra viên cho biết Nghị và Sol có mối quan hệ với chị Hồng, là những đối tượng tình nghi đầu tiên. Sol khai một số tình tiết có giá trị, Nghị thì không có.
Cũng theo điều tra viên, việc loại hai đối tượng này ra khỏi diện tình nghi do cả hai đều có bằng chứng ngoại phạm. Khi thời điểm vụ án xảy ra, Nguyễn My Sol đang ở TP.HCM, Nghị đang ở nhà tại TP Tân An.
Cơ quan điều tra kiểm tra những người thường gọi điện thoại đến bưu cục, nhất là thời điểm gần xảy ra vụ án. Kết quả, có đến 144 người được lấy dấu vân tay trưng cầu giám định…
Liên quan đến vấn đề vì sao lời khai đầu tiên (không nhận tội) của Hồ Duy Hải không được lưu trong hồ sơ, điều tra viên lý giải “do lời khai ban đầu chỉ là sàng lọc nên không lưu trong hồ sơ”.
Cụ thể, khi rà soát list điện thoại thấy có Hải nên cơ quan điều tra mời Hải lên hỏi như những người khác. Tổng cộng có trên 100 người, đều được hỏi rất tỉ mỉ. Khi hỏi Hải về thời gian sử dụng trong ngày, Hải khai đi đám tang cùng một số người, tuy nhiên qua xác minh thì thấy Hải không đến đám tang, dẫn đến nghi vấn.
Ngày hôm sau, 21-3-2008, cơ quan điều tra tiếp tục lấy lời khai của Hải, qua đấu tranh, Hải khai nhận hành vi phạm tội.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc không đưa lời khai ban đầu (ngày 20-3) của Hải vào hồ sơ là sai vì Hải không giống những người đã được loại trừ.
Chánh án cũng đề nghị điều tra viên giải thích về việc một số biên bản hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký của người khai như kháng nghị đã nêu. Điều tra viên cho rằng chỉ sửa chữa lỗi chính tả, không ảnh hưởng đến lời khai của bị can.
Hội đồng yêu cầu chiếu những bút lục mà kháng nghị của VKSND Tối cao đã nêu xem sửa chữa như thế nào. Bản chiếu lên cho thấy đó là những sửa chữa nhỏ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận xét dù là sửa chữa nhỏ nhưng cơ quan điều tra sai vì đây là biên bản tố tụng, sửa phải có chữ ký của người khai. Cơ quan điều tra cũng thừa nhận có những thiếu sót trong khi tiến hành điều tra vụ án này.
Vi phạm, thiếu sót "không làm thay đổi bản chất của vụ án”?
Đầu năm 2015, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết vụ án Hồ Duy Hải, lãnh đạo liên ngành gồm Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã thành lập tổ công tác để xác minh theo yêu cầu.
Tại phiên giám đốc thẩm, hội đồng đã nghe một số bản hỏi cung của tổ công tác với Hồ Duy Hải và công bố báo cáo đề ngày 27-3-2015 của tổ công tác. Theo đó, lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao thấy rằng vụ án Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2008 ở tỉnh Long An là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận quan tâm.
Quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm, thiếu sót, tuy nhiên cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án.
Những lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như đặc điểm hiện trường vụ án; kết quả thực nghiệm điều tra; kết quả khám nghiệm, giám định pháp y tử thi; phù hợp với các vật chứng, đồ vật được thu giữ; các biên bản nhận dạng; phù hợp với lời khai các nhân chứng, người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác…
Do vậy, có đủ cơ sở xác định Hồ Duy Hải có hành vi giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó lấy một số tài sản của họ và của Bưu điện Cầu Voi.
Tòa án các cấp kết án đối với Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội giết người cướp tài sản là có căn cứ pháp luật.
Gần đây, sau khi có quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập tổ công tác xác minh độc lập. Sau khi làm rõ các nội dung liên quan, báo cáo xác định bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sáng mai, đại diện VKSND Tối cao sẽ phát biểu quan điểm, sau đó Hội đồng Thẩm phán sẽ đánh giá các chứng cứ. Buổi chiều, Hội đồng Thẩm phán TAND sẽ công bố kết luận của hội đồng.