Vụ quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang: Truy tố thêm 1 bị can

Ngày 24-3, nguồn tin của PLO cho hay TAND tỉnh Hậu Giang sẽ đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hậu Giang xét xử vào ngày 25-3.

Trong phiên xử sơ thẩm thứ hai này, ngoài ba bị cáo Lê Hữu Tâm (nguyên Chủ tịch HĐQT quỹ TDND) Nguyễn Thiện Hồng (nguyên Giám đốc quỹ TDND) và Phan Văn Tập (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh, Kiên Giang), VKSND tỉnh Hậu Giang đề nghị truy tố thêm Trương Thị Thanh Loan (nguyên Phó Giám đốc quỹ TDND).

Bị cáo Phan Văn Tập tại phiên xử sơ thẩm năm 2018. Ảnh: CHÂU ANH

Bị cáo Bùi Chí Linh (nguyên Phó Giám đốc Quỹ TDND) trong thời gian được tại ngoại đã uống thuốc sâu tự tử tại nhà riêng ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang và TAND tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định đình chỉ vụ án. 

Theo cáo trạng mới nhất, vì động cơ tư lợi cá nhân, từ tháng 3-2011 đến tháng 11-2011, bị cáo Tâm cùng với Loan, Hồng, Tập và nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong đó, bị cáo Tâm cùng với Hồng và Loan thực hiện hành vi gian dối để vay 28 hợp đồng với tổng số tiền hơn 54,5 tỉ đồng. Sau khi cấn trừ số tiền mà bị can đã trả trước khi khởi tố vụ án và tổng giá trị tài sản thế chấp, bị cáo Tâm đã chiếm đoạt của quỹ TDND Hậu Giang hơn 38,6 tỉ đồng.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bị cáo Loan đã giúp sức cho Tâm ký giải ngân bốn hợp đồng với tổng số tiền là 7,5 tỉ đồng. Bị cáo Hồng đã giúp sức cho Tâm ký giải ngân 23 hợp đồng với tổng số tiền hơn 45,5 tỉ đồng. Hồng còn ký chứng thư bảo lãnh giúp sức cho Tâm chiếm đoạt của công ty TNHH De Heus hơn 18 tỉ đồng.

Ngoài ra Tâm cùng Linh đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 2,1 tỉ đồng  của năm khách hàng gửi tiền tại quỹ TDND Hậu Giang. Linh cũng đã ký chứng thư bảo lãnh giúp sức cho Tập chiếm đoạt của công ty TNHH De Heus hơn 4,8 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo Tâm, Loan, Hồng Tập thực hiện đã trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Do đó, Viện KSND tỉnh Hậu Giang quyết định truy tố bốn bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Bị cáo Lê Hữu Tâm tại phiên xử phúc thẩm năm 2019. Ảnh: NHẪN NAM

Trước đó, năm 2018, xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt bị cáo Tâm 20 năm tù, bị cáo Hồng 12 năm tù và bị cáo Tập 13 năm tù cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau đó, bị cáo Tâm kháng cáo xin xem xét lại tội danh và xem lại các tài sản thế chấp của bị cáo đủ để khắc phục hậu quả. Bị cáo Nguyễn Thiện Hồng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và bị cáo Phan Văn Tập kháng cáo kêu oan. VKSND tỉnh Hậu Giang cũng kháng nghị, đề nghị xét xử bị cáo Tâm hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến năm 2019, xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ, TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Hậu Giang, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang để điều tra, xét xử lại.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...