Nghị quyết của Quốc hội về giám sát án oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự hồi giữa năm đã liệt kê một số vụ án có dấu hiệu oan, sai và một số việc mà người bị oan chậm được xin lỗi, bồi thường và yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương khẩn trương chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, theo bà Nga, báo cáo mới nhất của VKSND Tối cao chưa cập nhật tiến độ giải quyết các vụ việc này. Trong khi đó, dư luận báo chí tiếp tục phản ánh việc VKSND tỉnh Đồng Nai từ chối xin lỗi, bồi thường oan cho anh Nguyễn Tấn Đại với lý do anh Đại đã cố ý khai báo gian dối để che giấu tội phạm, gây cản trở hoạt động điều tra chứng minh người phạm tội, dẫn đến vụ án xảy ra nhưng chưa xử lý được người phạm tội.
“Những thông tin như vậy chưa thể khẳng định đúng sai nhưng tôi đề nghị VKSND Tối cao có báo cáo, đồng thời làm rõ để trả lời người dân” - bà Nga nói.
Ông Hồ Văn Năm, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai, giờ là trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cũng dự phiên họp này. Ông Năm cho rằng báo chí mới chỉ đưa tin một chiều từ phía anh Đại. “Vụ này bị hại đã nhận diện Đại là thủ phạm. Bản thân Đại, lúc ấy 17 tuổi, cũng khai nhận, có mặt cả người giám hộ là mẹ Đại chứ không hề bức cung, nhục hình. Căn cứ như thế chúng tôi mới phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam... Chúng tôi sẽ báo cáo hồ sơ cụ thể”.
Vậy tại sao đã tin chắc chắn Đại là thủ phạm, cũng đã điều tra bổ sung kỹ lưỡng rồi mà cả hai cấp xét xử (TAND tỉnh Đồng Nai và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) VKS lại không bảo vệ được cáo trạng? Trả lời câu hỏi này của Pháp Luật TP.HCM trong phút giải lao, ông Năm cho biết sau khi cấp phúc thẩm tuyên Đại không phạm tội, VKSND tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị giám đốc thẩm lên VKSND Tối cao. “Nhưng rồi hồ sơ lại lạc lên Viện Phúc thẩm ở TP.HCM nên hết thời hạn một năm không kháng nghị được nữa” - ông Năm nói.