Vụ VN Pharma: Chưa đủ căn cứ xử hình sự cựu thứ trưởng Bộ Y tế

Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra bổ sung vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, TP khác và Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (VN Pharma giai đoạn 2). 

Gần 624.000 hộp thuốc giả đã bán ra thị trường

Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) và tám người khác về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu phó trưởng Phòng quản lý giá thuốc Cục Quản lý Dược) bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (hàng đầu bìa phải) và các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma, ngày 10-2-2020. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị can Nguyễn Việt Hùng (cựu phó cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu (cựu trưởng Phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý Dược) và Lê Đình Thanh (công chức Cục Hải quan TP.HCM) cùng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Minh Hùng đã trực tiếp thỏa thuận với Võ Mạnh Cường để mua 838.100 hộp, bốn loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.

Sau khi nhập khẩu số thuốc trên, VN Pharma đã bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp với số tiền gần 52 tỉ đồng, hưởng lợi 31,5 tỉ đồng.

Số thuốc bị tiêu hủy là 95.935 hộp, số thuốc còn lại Bộ Công an không xác định được VN Pharma tiêu thụ hay tiêu hủy do không thu thập được dữ liệu.

Kết quả tương trợ tư pháp do Canada cung cấp xác định Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào… 

Trước đó, VKS từng trả hồ sơ nhưng CQĐT cho rằng chưa đủ căn cứ xác định sai phạm của Cục Quản lý Dược trong việc không dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Công ty Health 2000 Canada hồi năm 2014.

CQĐT cũng cho rằng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với một số cá nhân, lãnh đạo Bộ Y tế trong việc để các thuốc mang nhãn Health 2000 Canada được cấp số đăng ký lưu hành và quota nhập khẩu Việt Nam. Từ đó, Bộ Công an giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can.

Truy nã quốc tế kẻ chủ mưu vụ thuốc giả Health 2000 Canada

CQĐT Bộ Công an xác định Nguyễn Lê Xuân Khang có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh Health 2000 Canada khi mở rộng điều tra giai đoạn 2. Tuy nhiên, Khang đã bỏ trốn và xuất cảnh vào ngày 16-7-2014. 

Bộ Công an đang truy nã quốc tế và đề nghị Bộ Tư pháp Canada dẫn độ Khang. Khi nào bắt được Khang, CQĐT sẽ phục hồi điều tra, làm rõ hành vi phạm tội, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tại doanh nghiệp liên quan đến việc đề nghị cấp giấy phép lưu hành sản xuất (visa), nhập khẩu và tiêu thụ các loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Một là trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (Codupha) và Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) trong việc đề nghị Cục Quản lý Dược cấp Visa cho 7/9 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada. 

Hai là trách nhiệm của các cá nhân liên quan tại hai công ty nói trên cùng Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex mẹ), Công ty cổ phần Dược Đại Nam, VN Pharma trong việc nhập khẩu, tiêu thụ 7/9 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada. 

Quá trình điều tra, CQĐT đã yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với Canada, Ấn Độ, Hong Kong và Slovenia để làm rõ có hay không việc mua bán thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada tại các doanh nghiệp trên theo 37 hợp đồng đã ký nhưng đến nay chưa được trả lời. 

Ngoài ra, tại hồ sơ nhập khẩu thuốc theo các hợp đồng đã ký kết, CQĐT chưa phát hiện việc chỉnh sửa mục nhà nhập khẩu trên hóa đơn, bảng kê chi tiết hàng hóa và chỉnh sửa logo… với mục đích thay đổi nguồn gốc, xuất xứ.

Do đó đến nay, CQĐT chưa có đủ cơ sở để kết luận có hành vi phạm tội xảy ra trong việc lập hồ sơ xin cấp visa, nhập khẩu, tiêu thụ thuốc của các doanh nghiệp trên.

Mặt khác, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của Khang. Vì vậy, Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện yêu cầu điều tra của VKSND Tối cao khi bắt được Khang.

Một cựu thứ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm liên đới

Kết quả điều tra lại CQĐT Bộ Công an xác định: Ông Cao Minh Quang, cựu thứ trưởng, với vai trò chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc, người quyết định cuối cùng việc cấp số đăng ký thuốc, có trách nhiệm liên đới trong việc để hai loại thuốc H2K Levofoxacin và H2K Ciprofloxacin được cấp số không đúng quy định. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra đến nay chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với ông Quang.

Kết luận điều tra ban đầu nêu: Ngày 16-5-2010, Cục Quản lý Dược nhận được hồ sơ xin cấp số đăng ký cho hai loại thuốc H2K Levofoxacin và H2K Ciprofloxacin có nhãn mác Health 2000 Canada sản xuất do Công ty Vimedimex đứng tên đăng ký.

Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng xét duyệt thuốc bổ sung ngày 25-11-2010 do ông Quang chủ trì, ông Nguyễn Việt Hùng (phó cục trưởng Cục Quản lý Dược) đã ký phiếu trình, báo cáo và xin ý kiến về việc cấp số đăng ký các loại thuốc đủ điều kiện cấp số đăng ký.

Ông Quang có bút phê đồng ý và giao Cục Quản lý Dược ban hành quyết định công bố thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam. 

Căn cứ ý kiến phê duyệt, ngày 23-12-2010, ông Trương Quốc Cường (khi đó là cục trưởng Cục Quản lý Dược, nay là thứ trưởng Bộ Y tế) ký quyết định công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm