Vụ vợ bị đơn định tự tử: 2 cấp tòa xử khác biệt

Liên quan đến việc bà Trần Thị Mỹ Hiệp là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (vợ của một bị đơn trong vụ án liên quan đến việc chuyển nhượng đất) định nhảy lầu tự tử tại TAND TP.HCM vào chiều 1-7, án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định, quyết định trái ngược nhau.

Tòa sơ thẩm: Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất

Vụ án được TAND quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm với nguyên đơn là ông Phan Quý, ba bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ.

Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là muốn tòa án tuyên bố giao dịch chuyển nhượng đất giữa ông với ba người mua chưa có hiệu lực; 647 m2 đất mà ông đã bán vẫn là của ông; ba người mua phải hoàn trả đất… Theo HĐXX sơ thẩm, đây là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Cũng theo tòa sơ thẩm, việc chuyển nhượng QSDĐ được ông Quý ký kết giấy tay với ông Sĩ vào năm 2002, với ông Dư và ông Thắng vào năm 2009. Đến tháng 3-2017, ông Quý phát hiện ông Dư xây dựng công trình trên đất.

Trước đó ông Dư cũng đã mua lại hai phần đất ông quý chuyển nhượng cho ông dư, ông thắng.

Do các hợp đồng nêu trên vẫn chưa được công chứng, các bên chưa hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng bộ nên xem như quyền và lợi ích hợp pháp của ông Quý bị xâm phạm kể từ tháng 3-2017. Đến ngày 30-6-2017, ông Quý nộp đơn khởi kiện là chưa hết hai năm theo quy định tại Điều 154 BLDS 2015 nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Mặt khác, nội dung của giao dịch cũng trái với các quy định liên quan như các bên chuyển nhượng QSDĐ vào năm 2002 khi ông Quý chưa có giấy chứng nhận QSDĐ. Việc chuyển nhượng vào năm 2009, dù ông Quý đã có giấy chứng nhận vào năm 2008 nhưng với diện tích 87 m2 thì không đủ điều kiện tách thửa.

Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của công an phường thì hai ông Dư, Thắng vẫn đang cư trú trên phần đất đã nhận chuyển nhượng. Vì thế, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông với ông Sĩ về việc chuyển nhượng 500 m2 đất. Đồng thời, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông Quý với ông Dư, ông Thắng về việc chuyển nhượng 87 m2/người.

Theo đó, do ông Thắng đã chuyển nhượng phần đất của mình cho ông Dư nên ông Dư được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tách thửa, đăng ký quyền sử dụng đất 174 m2.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm công nhận quyền sử dụng đất của ông Quý đối với phần diện tích còn lại là 500 m2 (sau khi ông Dư tách thửa); vợ chồng ông Dư, ông Thắng, ông Sĩ và những người đang ở trên đất phải hoàn trả đất cho ông Quý. Phần ông Quý phải thanh toán cho vợ chồng ông Dư hơn 5,5 tỉ đồng.

Vợ chồng ông Lê Văn Dư (bên phải) và ông Lê Sĩ Thắng bên trong khu đất tranh chấp. Ảnh: MINH CHUNG

Tòa phúc thẩm: Tranh chấp quyền sử dụng đất

Ngược lại, HĐXX phúc thẩm cho rằng đây là tranh chấp QSDĐ nên không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Cụ thể, ông Quý chỉ khởi kiện đòi ông Dư, ông Sĩ, ông Thắng trả lại 674 m2 đất. Đơn khởi kiện của ông Quý là tranh chấp QSDĐ.

Theo Điều 185 BLTTDS 2015 và khoản 3 Điều 155 BLDS 2015, tranh chấp QSDĐ là tranh chấp không áp dụng thời hiệu.

Do đó, tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Quý theo đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu của các ông Dư, Sĩ, Thắng là đúng pháp luật.

Căn cứ giấy chứng nhận QSDĐ, 674 m2 đất mà các đương sự đang tranh chấp nằm trong 3.500 m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Quý. Thời điểm chuyển nhượng đất cho ông Sĩ, phần đất này Nhà nước chưa cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ai. Vào thời điểm ông Quý chuyển nhượng QSDĐ cho ông Dư, ông Thắng, nguyên đơn đã có giấy chứng nhận QSDĐ.

Tuy nhiên, toàn bộ việc chuyển nhượng QSDĐ nêu trên không có chứng nhận của cơ quan công chứng hoặc chứng thực, chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

“Không hề có thỏa thuận không được xây dựng”

Theo án sơ thẩm, nguyên đơn cho rằng sau khi bán đất xong thì nguyên đơn đã thông báo do mua bán giấy tay nên bên mua chỉ được xây dựng công trình sau khi có hợp đồng công chứng, chuyển mục đích sử dụng đất…

Bị đơn Lê Văn Dư khẳng định với PV là không có giấy tờ nào của hai bên mua bán nói như thế cả. Ông Dư nói thêm: “Mua đất mà người bán không cho xây dựng chỗ ở thì ai mua làm gì”.

MINH CHUNG 

Vì thế, việc chuyển nhượng chưa phát sinh hiệu lực và 674 m2 đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Quý. Việc ông Dư dựa vào các hợp đồng chuyển nhượng chưa có hiệu lực để chiếm hữu phần đất này là không có căn cứ.

việc ông Dư tiến hành xây dựng các công trình trên đất đã bị UBND quận Gò Vấp xử lý. Phần tài sản ông Dư xây dựng trên đất đã có quyết định buộc tháo dỡ có hiệu lực pháp luật. Trường hợp ông Dư không thực hiện các quyết định này, ông Quý có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Cạnh đó, tại cấp sơ thẩm, không có đương sự nào có yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ giao dịch, việc cấp sơ thẩm buộc ông Quý bồi thường cho ông Dư hơn 5,5 tỉ đồng tương đương 500 m2 đất là vượt quá phạm vi khởi kiện và yêu cầu của đương sự…

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Quý tự nguyện thanh toán tiền lãi trên số tiền ông đã nhận từ việc chuyển nhượng với lãi suất 9%/năm là không trái quy định pháp luật nên có căn cứ để ghi nhận.

Cụ thể, tổng số gốc, lãi mà ông Quý phải trả cho ông Sĩ là hơn 1,3 tỉ đồng; phải thanh toán cho ông Dư, ông Thắng gần 836 triệu đồng/người.

Từ đó, HĐXX không công nhận việc chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; giữa ông Sĩ, ông Thắng với ông Dư và không công nhận QSDĐ của ông Dư.

HĐXX buộc các ông bà trên phải trả lại cho ông Quý 674 m2 đất trên. Ông Quý phải thanh toán cho các ông bà này khoản tiền như trên.

Lý do xét xử của TAND quận Gò Vấp

Ngày 3-7, ông Trần Đăng Tân, Chánh án TAND quận Gò Vấp, cho biết: Ông chỉ biết vụ án này đương sự có kháng cáo chứ chưa biết việc TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm.

“Có ý kiến thắc mắc con gái của nguyên đơn (ông Phan Quý) có phải đang làm thẩm phán tại TAND quận Gò Vấp, nếu đúng vậy thì vì sao Tòa Gò Vấp không chuyển hồ sơ lên TAND TP xét xử sơ thẩm để dư luận khỏi nghi ngờ về sự công tâm?”. Với câu hỏi này của PV, Chánh án Trần Đăng Tân xác nhận: “Đúng là con gái của ông Quý đang là thẩm phán của TAND quận Gò Vấp nhưng chúng tôi không cho cô ấy tham gia bất cứ việc gì liên quan đến vụ án”.

Cũng theo ông Tân, tòa án quận xét xử độc lập, khách quan và HĐXX chỉ tuân theo pháp luật trong vụ án này. TAND quận Gò Vấp sẽ chờ bản án phúc thẩm ban hành chính thức. Khi đó lãnh đạo tòa sẽ đối chiếu với bản án sơ thẩm để có đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án và thông tin đến báo chí.

MINH CHUNG

Kháng nghị của VKSND quận Gò Vấp

Ngày 21-11-2019, VKSND quận Gò Vấp ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm. Theo VKSND quận Gò Vấp, để xem xét thời hiệu khởi kiện cần xác định giao dịch có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không; người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại từ khi nào.

Nguyên đơn đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho các bị đơn từ năm 2002 và 2009, đã nhận đủ tiền vào năm 2002 và 2011. Vì vậy, việc xác định quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm kể từ tháng 3-2017 là chưa chính xác.

Cạnh đó, tòa án chưa xác minh rõ điều kiện tách thửa, điều kiện cấp giấy chứng nhận với từng lô đất đang tranh chấp tại thời điểm chuyển nhượng và hiện nay nhưng đã có quyết định giải quyết vụ án. Như vậy là chưa đủ căn cứ để xác định các giao dịch có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không nhằm xem xét thời hiệu khởi kiện và căn cứ giải quyết vụ án.

YẾN CHÂU 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm