Ngày 3-7, lãnh đạo TAND TP.HCM trao đổi về bản án vụ tranh chấp giữa vợ chồng ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và các bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ.
Tòa cho biết bản án tuyên chiều 1-7 sau khi hoàn chỉnh văn bản sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử theo quy định.
Lãnh đạo tòa cũng nêu một vài điểm trong vụ án để làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm. Do sau khi tuyên án xong, vợ bị đơn Dư chạy ra hành lang tòa định nhảy lầu tự tử nhưng lực lượng bảo vệ và những người có mặt kịp thời ngăn cản.
Thứ nhất là câu chuyện tranh chấp trong vụ án mà tòa xử là gì? Tòa nhận định đây không phải là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất mà là tranh chấp quyền sử dụng đất.
Đây là tranh chấp không áp dụng thời hiệu theo quy định pháp luật. Tòa xác định việc tranh chấp bởi nó liên quan đến vấn đề thời hiệu.
Nguyên đơn ông Quý cho rằng là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) vào tháng 10-2008 nhưng nay các bị đơn đang sử dụng 674/3.500 m² nên đi đòi lại. Cơ sở đi đòi đất của ông chính là GCN và đòi quyền của người sử dụng đất.
Nguồn gốc đất được xác định năm 1999, vợ chồng ông Quý nhận chuyển nhượng bằng giấy tay 3.500 m² đất trồng cây lâu năm (thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp) từ ông Huỳnh Hữu Lợi.
Đến ngày 7-10-2008, GCN cấp cho ông Lợi đã cập nhật biến động qua tên vợ chồng ông Quý.
Trong khi ngày 3-2-2002, vợ chồng ông Quý bán lại cho ông Sĩ diện tích 500 m² đất bằng giấy tay. Tiếp đó, ngày 18-4-2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Dư và ông Thắng (cháu ông Dư) mỗi người 87 m².
Sau đó, ông Dư xây công trình nhà và kinh doanh trên đất. Năm 2017 UBND quận ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Dư và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Ông Dư khởi kiện quyết định hành chính trên ra tòa. Hai cấp tòa TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác yêu cầu khởi kiện.
Còn ông Quý vào tháng 6-2017 khởi kiện ông Dư, ông Thắng, ông Sĩ ra TAND quận Gò Vấp đòi lại đất, cho rằng bị chiếm dụng, xâm phạm đến quyền sử dụng đất.
Theo đó, ông Quý đòi đất căn cứ GCN đang mang tên mình. Theo luật, tranh chấp quyền sử dụng đất là tranh chấp về thực hiện các quyền của người sử dụng mà luật quy định như quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê…
Nói vậy để thấy rõ đây là vụ án tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đối với đất tranh chấp.
Trụ sở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG YẾN
Bên ông Dư có phản tố đưa ra hợp đồng chuyển nhượng đất viết giấy tay, cho rằng đây là tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng đất để áp tính thời hiệu đối với việc nguyên đơn khởi kiện.
GCN của ông Quý là trong giai đoạn Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Theo đó, đây là chứng từ cơ quan nhà nước cấp cho người sử dụng đất bảo hộ thực hiện các quyền sử dụng. Nếu quyền sử dụng đất bị xâm phạm, họ có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bảo hộ. Cụ thể là ông Quý đòi phải trả đất.
Còn phía ông Dư thì đề nghị toà án công nhận việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay với ông Quý. Trong khi việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của pháp luật về đất đai.
Từ yêu cầu của hai bên dễ thấy rằng có sự đan chen, chồng chéo giữa yêu cầu tranh chấp các bên dẫn đến sự nhầm lẫn nếu không xác định rõ tranh chấp. Tòa thụ lý tranh chấp quyền sử dụng đất theo đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bên bị đơn nêu ra chưa có hiệu lực vì việc mua bán bằng giấy tay chưa đăng ký theo luật định, không thuộc trường hợp được bảo hộ.
Thứ hai là câu chuyện về thiệt hại? Vụ án là đang tranh chấp quyền sử dụng đất của ai, không bên nào đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ giao dịch từ việc chuyển nhượng đất.
Vì vậy phạm vi xét xử trong vụ án này không có vấn đề này. Việc thiệt hại sẽ được giải quyết khi có yêu cầu và chứng minh trong một vụ án khác.
Khi đó trường hợp có thiệt hại phát sinh liên quan chuyển nhượng giữa đôi bên về chênh lệch giá, kể cả phân bổ lỗi thế nào chờ phán quyết của một bản án khác nếu họ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Bản án chiều 1-7, TAND TP.HCM nhận định do việc chuyển nhượng đất giữa các đương sự chưa phát sinh hiệu lực, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về ông Quý, bà Thuỷ. Việc giải quyết vụ án chỉ giới hạn trong phạm vi buộc hoàn trả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền… nên việc yêu cầu thu thập các chứng cứ mà VKS đã nêu ra trong kháng nghị là không cần thiết. Bản án quyết định không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Quý với các bị đơn là có hiệu lực. Tòa cũng không công nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Dư đối với 674m2 trên, công nhận đất thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Quý. Đồng thời, tòa buộc các đương sự phải trả lại phần đất. Khi nhận đất, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho các bị đơn số tiền lần lượt từ khoảng 830 triệu đến 1,3 tỉ. Trường hợp có tranh chấp liên quan đến các khoản tiền mà các đương sự đã thanh toán với nhau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các thiệt hại phát sinh từ giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các đương sự có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật… |