Pháp mắc kẹt giữa tướng Haftar và Tripoli

Pháp được biết là một trong những nước ủng hộ tướng Khalifa Haftar và hỗ trợ cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), dù về chính thức Pháp vẫn ủng hộ Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) ở Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo.

Tuy nhiên, Pháp đã rất sốc khi hay tin tướng Khalifa Haftar mở chiến dịch đánh về Tripoli ngày 4-4. Theo trang tin Politico, việc tướng Haftar đánh về Tripoli ngay lúc Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guteress đang ở Tripoli để sắp xếp tổ chức một hội nghị hòa bình là một nỗi xấu hổ với Pháp. Cuộc tấn công cho thấy tướng Haftar có ý định chiếm chứ không phải chia sẻ quyền lực với chính quyền Tripoli.

Bị chính quyền Tripoli đòi cắt quan hệ, Pháp đã phải lên tiếng rằng mình không hề hay biết gì về chiến dịch của tướng Haftar và cũng không hề hỗ trợ LNA mở chiến dịch này.

Tại sao Pháp ủng hộ tướng Haftar?

Về chính thức, Pháp ủng hộ tiến trình hòa bình do LHQ là trung gian, được cựu bộ trưởng Văn hóa Lebanon, nhà khoa học chính trị Ghassan Salamé dẫn đầu. Pháp chưa bao giờ chính thức thừa nhận có cung cấp vũ khí, huấn luyện, thông tin tình báo và đưa lực lượng đặc biệt hỗ trợ tướng Haftar. Sự việc ba lính Pháp chết trong một tai nạn trực thăng ở Libya năm 2016 là thừa nhận hiếm hoi Pháp có hiện diện bí mật ở Libya  nhưng mà để đánh các tay súng Hồi giáo.

Tuy nhiên, Pháp cho rằng tướng Haftar là giải pháp duy nhất giúp Pháp ngăn chặn các tay súng Hồi giáo và tình trạng di cư, có thể giúp thúc đẩy nhân quyền và dân chủ.

Từ năm 2015, Pháp đã âm thầm ủng hộ và xây dựng tướng Haftar thành một hình tượng hùng mạnh ở Benghazi với hy vọng ông này có thể kiểm soát các cơ sở sản xuất dầu và trấn áp các phe nhóm Hồi giáo. Thành phần phản đối Pháp cho rằng một động cơ của chính sách Pháp tại Libya là nhằm thu được các hợp đồng tái thiết và mở rộng hoạt động kinh doanh của tập đoàn dầu Total của Pháp ở đây.

Các nhà hoạch định chính sách Pháp nối tình hình khu vực với cuộc chiến của mình chống lại các phần tử Hồi giáo ở vành đai Sahara-Sahel và cuộc chiến chống khủng bố trên chính đất Pháp - ưu tiên an ninh quốc gia số một của Pháp, đặc biệt sau sự kiện Paris bị khủng bố năm 2015 làm 130 người chết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) cùng Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj (trái) và tướng Khalifa Haftar (phải) trong lần gặp tại Paris (Pháp) năm 2017. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nguyên nhân sự ủng hộ của Pháp với tướng Haftar còn hơn các cân nhắc về thương mại hay chống khủng bố, đó là về các liên minh chiến lược ở Trung Đông. Ngoài Pháp, tướng Haftar - một người Libya, từng dưới trướng lãnh đạo Gaddafi nhưng sau đó từ bỏ ông này, được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) huấn luyện, sang sống lưu vong ở Mỹ 20 năm, có quyền công dân Mỹ - được sự ủng hộ của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập, Nga.

Pháp đứng cùng phe với các nhà cầm quyền UAE, Saudi Arabia, Ai Cập - những người đã mua hàng tỉ USD vũ khí của Pháp. Pháp đứng ngược phe với liên minh Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và phong trào Anh em Hồi giáo - từng cầm quyền Ai Cập một thời gian ngắn năm 2013 trước khi bị lật đổ bằng đảo chính quân sự.

Về phần mình, tướng Haftar giữ bí mật về số vũ khí hiện đại của Pháp mà ông này có được bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

Tướng Haftar muốn đi vào Tripoli mà không phải đổ máu như một vị cứu tinh dân tộc nhưng nó không diễn ra như thế.

Ông ARTUNO VARVELLIlãnh đạo Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Ý 

Ông Macron từng mời tướng Haftar, Thủ tướng Sarraj sang Paris

Một số trong lực lượng LNA đi theo tướng Haftar không phải là thành phần Pháp vừa ý. Theo nhà nghiên cứu về Libya Mary Fitzgerald, bên cạnh thành phần vốn trong quân đội Libya sau này đi theo tướng Haftar, lực lượng LNA còn bao gồm dân quân các bộ lạc, phong trào Salafists liên quan đến Saudi Arabia, các phần tử nổi dậy của Sudan và một chỉ huy bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, điểm không vừa ý này không khiến Pháp ngưng ủng hộ tướng Haftar về chính trị.

Một trong những sáng kiến ngoại giao quan trọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi thắng cử năm 2017 là mời cả tướng Haftar kiểm soát Benghazi và Thủ tướng Sarraj lãnh đạo chính quyền GNA ở Tripoli đến một lâu đài bên ngoài Paris để làm cầu nối nhằm đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Ông Macron không mời Ý. Cuộc gặp diễn ra chớp nhoáng và không thành công, khiến Pháp có một bước thối lui trên trường quốc tế.

“Ông Macron đã sai khi nghĩ rằng có thể nhanh chóng thắng được vấn đề Libya nhờ vào uy tín, sự thu hút của mình. Ông ấy đánh giá thấp tính phức tạp của đất nước này. Nó có nửa đơn giản, nửa cơ hội. Ông ấy cố gắng dựa vào thành phần quân đội để giải quyết một vấn đề chính trị” - theo nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Tarek Megerisi.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (Bộ trưởng Quốc phòng Pháp ở chính phủ tiền nhiệm) được xem là một nhà kiến thiết chiến lược “ủng hộ tướng Haftar” và xung đột với nhiều chuyên gia khác tại Bộ Ngoại giao khác cố gắng thuyết phục vị tổng thống trẻ tuổi rằng Libya không dễ dàn xếp.

Trước ông Macron, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng từng làm tổn hại uy tín mình khi ban đầu thì ủng hộ ông Gaddafi, sau đó lại dẫn đầu chiến dịch không kích lật đổ ông Gaddafi dưới danh nghĩa “can thiệp nhân đạo”.

Chiến lược của Pháp nhiều rủi ro

Một quan chức cấp cao Pháp biết về chính sách chính phủ cho biết việc ủng hộ tướng Haftar một phần do nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn đà cung cấp vũ khí và tiền bạc cho các nhóm vũ trang Hồi giáo đe dọa đến các chính phủ non trẻ ở Niger, Chad và Mali vốn được Pháp ủng hộ. Đó là lý do tại sao Pháp đang quan sát trong lo lắng với tình hình ở Algeria - thuộc địa cũ và là một nhà cung cấp khí gas lớn của mình, nơi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi vừa bị buộc phải từ chức sau 20 năm cầm quyền.

Việc ông Bouteflika sụp đổ cho thấy chiến lược của Pháp đầy rủi ro. Tướng Haftar không còn trẻ, đã 75 tuổi, năm ngoái từng trải qua sáu tuần nằm bệnh viện ở Pháp và chưa có người kế nhiệm rõ ràng, dù có bổ nhiệm các con trai mình vào các vị trí chủ chốt. Và về cơ bản tướng Haftar cũng không quá mạnh như Pháp nghĩ. Cuộc tấn công vào Tripoli gặp kháng cự mạnh hơn nhiều tướng Haftar đã nghĩ. Các lực lượng dân quân không bỏ phe GNA để theo ông này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm