“Năm 2014, chúng ta quyết liệt kiểm soát tải trọng, bước đầu đã tạo được môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT luôn lắng nghe, đối thoại để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp (DN) vận tải để mối quan hệ giữa quản lý nhà nước, DN hài hòa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội…” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi đối thoại với các DN vận tải ngày 11-3.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho biết: Hiện còn nhiều xe quá tải vượt trạm, canh thời gian nghỉ của trạm kiểm soát tải trọng để vượt trạm. Do vậy các trạm cân nên lắp camera giám sát để xử lý các xe quá tải vượt trạm. Ngoài xử lý xe chở quá tải, Bộ GTVT cần có các biện pháp xử lý tận gốc ở nơi bốc dỡ hàng hóa. “Hiện nay, các cảng lớn do Bộ GTVT quản lý thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tải trọng. Nhưng các cảng nhỏ do địa phương quản lý vẫn còn tình trạng chở hàng quá tải, Bộ GTVT nên kiểm tra, chấn chỉnh…” - ông Tiến đề nghị.
Theo ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, tình trạng chở quá tải ở TP.HCM chuyển biến rõ rệt, phần lớn DN ủng hộ và chấp hành việc kiểm soát tải trọng. Các cảng ở TP.HCM thực hiện nghiêm túc cam kết với Bộ GTVT. “Tuy nhiên, các cảng chỉ kiểm soát hàng hóa từ cảng đi ra, còn hàng hóa từ ngoài vào cảng vẫn chưa được kiểm soát tải trọng. Theo phản ánh, DN vận tải nhiều nhà máy xi măng vẫn bốc hàng quá tải lên xe…” - ông Chung phản ánh.
Trạm kiểm soát tải trọng trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7. Ảnh: TRUNG DUNG
Theo ông Chung, hiện nay xe quá tải lưu thông trên đường chỉ có ba đối tượng bị xử phạt là chủ DN vận tải, tài xế và người xếp dỡ. Trong khi đó, chủ hàng là người điều phối hoạt động chở hàng, điều khiển được ba đối tượng trên. “Theo tôi, Bộ GTVT cần bổ sung xử phạt chủ hàng mới bình đẳng với các đối tượng còn lại...” - ông Chung kiến nghị.
Cũng theo ông Chung, quy định xử phạt xe quá tải hiện nay, cùng một lỗi vi phạm nhưng cá nhân bị xử phạt chỉ bằng 1/2 pháp nhân vi phạm. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện, Bộ GTVT đang định hướng dẫn hoạt động hình thành các DN vận tải lớn để bảo đảm hoạt động kinh doanh. Quy định xử phạt hiện nay tạo ra sự bất bình đẳng giữa cá nhân và pháp nhân, vô hình trung cổ súy cho cá nhân sai phạm mạnh hơn.
Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết: Thanh tra Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra đột xuất các trạm kiểm soát để chống tiêu cực trong lực lượng kiểm soát tải trọng. Sắp tới, Thanh tra Bộ GTVT sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra việc bốc xếp hàng hóa quá tải lên xe. Ngoài ra, Thanh tra Bộ GTVT tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi các cơ quan liên quan và 63 tỉnh, thành đề nghị ít nhất phải có hai đường dây nóng để xử lý xe quá tải.
Đề nghị chấm dứt hoạt động của Uber Liên quan đến hoạt động của Uber, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, ý kiến: Uber đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM ngành nghề dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường. Sẽ không có vấn đề gì nếu Uber hoạt động đúng như đăng ký, tức là ký hợp đồng chuyển giao phần mềm cho DN kinh doanh vận tải hợp pháp. Theo ông Hỷ, Uber không dừng lại ở việc cung cấp ứng dụng mà sử dụng ứng dụng đó làm phương tiện trực tiếp điều hành kinh doanh mạng lưới hành khách giống như công ty taxi chui, taxi “dù” cao cấp. Trong vài tháng qua, chỉ có 79 xe Uber trong hàng trăm xe hoạt động trái phép bị thanh tra giao thông lập biên bản. Hiện Uber đang tuyển dụng lái xe, tổ chức tập huấn, quy định thưởng phạt cho lái xe. “Uber thực hiện việc bảo kê cho lái xe vi phạm thông qua việc cung cấp tiền phạt cho lái xe khi bị cơ quan chức năng xử phạt…” - ông Hỷ nhận định. Theo ông Hỷ, việc Uber huy động và điều động hàng loạt xe và lái xe nhàn rỗi vào hoạt động vận tải hành khách bất hợp pháp sẽ gây mất cân đối cung cầu, phá vỡ cơ cấu quy hoạch vận tải các địa phương, tăng lượng xe lưu thông gây ùn tắc giao thông. “Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép của Uber tại Việt Nam cho đến khi họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải hoặc khi Nhà nước có văn bản điều chỉnh, có nội dung phù hợp với hoạt động của Uber…” - ông Hỷ cho biết. Ông Lê Thanh Hà cho biết liên quan đến hoạt động Uber, bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra giao thông TP.HCM, Hà Nội thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải, phương tiện lái xe cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber. Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở KH&CN và Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với Công ty Uber. “Ngày 12-3, Bộ GTVT làm việc với Công ty Uber. Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, chúng tôi sẽ công bố ngay” - ông Hà nói. Những ý kiến liên quan kiểm soát tải trọng và xử lý xe quá tải, chúng tôi sẽ tiếp thu. Tôi đề nghị ngoài nêu khó khăn, các DN chủ động nêu các giải pháp để chúng tôi xem xét thì hướng xử lý hài hòa hơn… Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ |