“Trong năm 2015 phải chấm dứt xe quá tải trên địa bàn TP.HCM. Giám đốc Sở GTVT, Công an TP phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Việc thực hiện ra sao đã có chỉ đạo rồi. Vấn đề là tổ chức, phối hợp và ra quân thế nào nhưng tôi tuyên bố trong năm 2015 dứt khoát không còn xe quá tải trên địa bàn nữa”. Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín yêu cầu như thế tại buổi tổng kết năm 2014 và kế hoạch năm 2015 về việc đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn ngày 27-2.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, tuyên bố lãnh đạo Sở GTVT, Công an TP.HCM phải chịu trách nhiệm nếu xe chở hàng quá tải vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Ảnh: MP
Phải tuần tra, kiểm soát liên tục
Ông Tín yêu cầu lực lượng chức năng phải có phương án tuần tra, kiểm soát liên tục, bất ngờ, tạo tâm lý lo sợ cho người vi phạm giao thông: “Không khéo bị CSGT phạt”. Ngoài ra, CSGT và Sở GTVT phải phối hợp lắp đặt thêm các camera chất lượng cao ở các tuyến đường trọng điểm… với vị trí được tính toán phù hợp để người lưu thông sợ camera, tác động đến họ khi ra đường phải tuân thủ nghiêm pháp luật giao thông.
Trao đổi với chúng tôi về chủ trương trên, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho hay: Việc lãnh đạo UBND TP.HCM đặt ra mốc thời gian cụ thể để xử lý tình trạng xe chở hàng quá tải là chủ trương đúng, thể hiện sự quyết liệt và hiệp hội ủng hộ chủ trương này. Tuy vậy, việc xử lý xe quá tải cần được thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ hơn. Đơn cử, việc lắp đặt các trạm cân tự động cần sớm thực hiện ở các tuyến đường trọng điểm để tránh sót lọt nhưng vẫn không gây ách tắc giao thông…
Theo ông Chung, để việc kiểm soát tải trọng đạt hiệu quả thì việc kiểm tra, xử phạt từ gốc là cần thiết. Hiện quy định cho phép xử phạt đối với các kho hàng, bến cảng chất hàng quá tải nhưng quy định này chưa được áp dụng, chưa chủ kho hàng, bến cảng nào bị xử phạt dù việc chất hàng quá tải vẫn xảy ra. Về lâu dài, quy định trách nhiệm của chủ hàng trong việc để xảy ra tình trạng quá tải cùng hình thức chế tài cụ thể nhằm đảm bảo đồng bộ.
“Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định chở hàng quá tải nhưng Nhà nước cũng phải tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về quy định, chính sách và những hạn chế về quản lý. Một khi hạ tầng đồng bộ, doanh nghiệp đầu tư phương tiện đúng, pháp luật đã rõ ràng, đầy đủ thì không có lý do gì nữa để bào chữa cho việc chở hàng quá tải cả” - ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho hay trong việc điều hành, quản lý, hiệp hội thường xuyên vận động, tuyên truyền các hội viên là chủ các doanh nghiệp vận tải tuân thủ các quy định. Trường hợp các hội viên đã vi phạm, được nhắc nhở nhưng cố tình vi phạm tiếp thì hiệp hội sẽ xem xét về tư cách hội viên.
Tai nạn, kẹt xe giảm nhưng chưa bền vững
Về tai nạn giao thông (TNGT), Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đánh giá: “Trong năm năm qua, TNGT trên địa bàn thành phố giảm liên tục. Đây là cố gắng lớn của các cấp chính quyền và người dân thành phố. Rất nhiều vụ TNGT xuất phát từ ý thức của người dân nhưng qua việc tuyên truyền, vận động đã có chuyển biến trong chấp hành luật, lệ giao thông. Đây là những tín hiệu tích cực làm giảm thiểu ùn tắc, TNGT”.
Tuy nhiên, ông Tín cũng cho rằng hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà muốn giải quyết thì không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Theo ông Tín, những cơ sở hạ tầng giao thông mà TP tập trung đầu tư nhiều năm qua đã góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn. Tuy vậy, kết quả đầu tư vẫn còn thấp so với nhu cầu nên đây sẽ là công việc được quyết liệt đeo bám trong nhiều năm tới.
“Một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố là các tuyến tàu điện ngầm. Hiện TP.HCM đang tập trung xây dựng tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên; dự kiến đến tháng 4-2015 sẽ khởi công tuyến metro Bến Thành - Tham Lương và phấn đấu cuối năm 2015 tiếp tục khởi công thêm tuyến metro ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn. Ngoài ra, UBND TP cũng phối hợp với Bộ GTVT sớm đưa tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn từ ga Bình Triệu (quận Thủ Đức) đến ga Hòa Hưng (quận 3) lên cao để tránh giao cắt với đường bộ, gây ùn ứ cho đường bộ” - ông Tín phác thảo một số công việc trọng tâm.
Năm 2015 kéo giảm ít nhất 5% số vụ, số người chết Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban ATGT TP.HCM, năm 2014 TNGT đã được kéo giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ (giảm hơn 770 vụ, tức hơn 15%), số người chết (giảm gần 50 người, hơn 6%) và số người bị thương (giảm 600 người, gần 13%) so với năm trước. Tuy vậy, có 11/24 quận - huyện có số người chết vì TNGT tăng, đặc biệt có các quận 1, 9, 10, 11 và huyện Cần Giờ có tỉ lệ tăng cao ở cả ba mặt. “Ngoài ra, TNGT trong tháng 2-2015 đã tăng so với cùng kỳ; kẹt xe trên 30 phút đã giảm song ùn ứ vẫn thường xuyên diễn ra, đặc biệt vào các giờ cao điểm và các khu vực thi công công trình”. Ông Tường cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2015 toàn thành phố phải giảm ít nhất 5% về số vụ, số người chết và bị thương do TNGT so với năm 2014; giảm mạnh các vụ TNGT nghiêm trọng; đồng thời giảm đến mức thấp nhất các vụ ùn ứ và không để xảy ra kẹt xe kéo dài trên 30 phút. Tiêu điểm Mỗi ngày TP.HCM phạt trên 990 triệu đồng Theo thống kê trong năm, CSGT và TTGT TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt hơn 663.250 vi phạm với tổng số tiền xử phạt là trên 362 tỉ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày có trên 1.800 vi phạt bị xử phạt với tổng số tiền trên 990 triệu đồng. Trong số này, số tiền phạt liên quan đến vi phạm quá tải là gần 100 tỉ đồng, trong đó quy định mới đã cho phép xử phạt chủ xe quá tải vi phạm và nhóm này đã “góp” vào hơn 48 tỉ đồng. |
MINH PHONG