Ngày 22-1, tạp chí y khoa JAMA Neurology công bố công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Gothenburg (Thụy Điển) về bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Theo đó, nghiên cứu kết luận rằng xét nghiệm máu thông thường có thể chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer khoảng 10 đến 15 năm trước khi các triệu chứng của bệnh này xuất hiện.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đối với 768 người ở độ tuổi 50, 60 và 70 trong 8 năm. Họ kết luận rằng bằng cách đo mức độ protein p-tau 217 trong máu, các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer với độ chính xác lên đến 97%, theo đài CNN.
Theo bà Sheona Scales - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Alzheimer (Anh), nghiên cứu trên cho thấy rằng xét nghiệm máu có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong việc chẩn đoán cho những người có khả năng mắc bệnh Alzheimer.
Xét nghiệm này ưu việt hơn so với các loại xét nghiệm khác mà nhiều bác sĩ hiện sử dụng, như phương pháp chọc dò tuỷ sống, bà Scales cho biết thêm.
GS David Curtis thuộc Viện Di truyền học của ĐH College London (Anh) cho biết phát hiện của nhóm các nhà khoa học Thụy Điển có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Những người trên 50 tuổi sẽ được kiểm tra định kỳ vài năm một lần. Do đó, nếu được chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị Alzheimer hiện tại sẽ có hiệu quả tốt hơn, theo ông Curtis.
Công ty phát triển kit xét nghiệm máu ALZpath (Mỹ) cho biết hiện kit xét nghiệm này chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, song hy vọng chúng sẽ sớm được sử dụng khám lâm sàng trong quý đầu tiên của năm nay.
Bệnh Alzheimer có thể khiến não co lại và làm chết các tế bào não. Đây là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, gây ra sự suy giảm chức năng nhận thức cũng như hành vi và kỹ năng xã hội.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Alzheimer (Mỹ), khoảng 1 trong 9 người từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh này. Hiệp hội dự đoán rằng con số này sẽ tăng đáng kể trong 25 năm tới.