Kỷ niệm 77 năm Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2022)

Phát huy tinh thần Nam bộ kháng chiến cho hôm nay

(PLO)- Tinh thần quật khởi, đồng lòng, đoàn kết toàn dân của ngày Nam bộ kháng chiến rất cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-9-1945, tức chỉ 21 ngày sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ và sau đó là cả nước bắt đầu.

Nhân dân Hà Nội tham dự mít-tinh phản đối Anh - Pháp chiếm đóng Nam bộ. Ảnh: Tư liệu

Nhân dân Hà Nội tham dự mít-tinh phản đối Anh - Pháp chiếm đóng Nam bộ. Ảnh: Tư liệu

1. Thực dân Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh đã quay lại xâm lược nước ta. Hơn 6.000 quân Pháp còn lại ở Sài Gòn dưới sự hà hơi, tiếp sức của 10.000 quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn. Ngày 23-9-1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam bộ họp khẩn cấp và kêu gọi toàn dân kiên quyết kháng chiến.

Ngay chiều 23-9-1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong TP. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.

Ngày 24-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cả Sài Gòn tản cư dù người Pháp kêu gọi mọi người bình tĩnh và ở lại. Thanh niên khắp nơi ở Nam bộ nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến ùn ùn vào Nam với quyết tâm cùng đồng bào Nam bộ giữ nền độc lập non trẻ.

Bài học mà Nam bộ kháng chiến để lại, nhất là vai trò của Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trần Văn Giàu đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

2. Ngay trong đêm 22-9, khi nhân dân và các lực lượng tự vệ ở khắp nơi thuộc Sài Gòn - Gia Định chống trả quyết liệt với quân thù thì sáng 23-9-1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, TP.HCM). Đây là cuộc họp liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Trong hội nghị này có hai luồng ý kiến khác nhau: Một bên đề nghị phải ra lệnh kiên quyết đánh, một bên nêu quan điểm chưa nên hạ lệnh kháng chiến mà chờ xin ý kiến Trung ương... Ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quyết định “phải đánh trả ngay”. Tuy nhiên, đại diện Trung ương là ông Hoàng Quốc Việt chủ trương: “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”. Cuộc họp diễn ra từ 6 giờ đến 7 giờ mới có lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ phát đi. Bốn ngày sau, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện vào miền Nam tán thành chủ trương của ông Trần Văn Giàu trong cuộc họp ở đường Cây Mai.

Như vậy, rõ ràng trong bối cảnh đặc biệt khẩn trương của tình hình khi ấy, Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu đã có những quyết định sáng suốt, chính xác, kịp thời. Kể lại sự kiện trọng đại này, ông Trần Văn Giàu hồi tưởng khi lời kêu gọi kháng chiến của ông phát đi, ông đã tự nghĩ: “Thế là đời chính trị của Trần Văn Giàu từ nay đã hết”. Tuy nhiên, ông Trần Văn Giàu cũng khẳng định ông là “tướng giữ biên cương. Khi kẻ địch xâm phạm biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định không chờ lệnh vua. Quyết định nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì phải bị xử trảm. Anh Sáu (tức ông Trần Văn Giàu - NV) không phải là người buông giáo”.

Thành công của cuộc kháng chiến ở Nam bộ bắt đầu từ những quyết định “sinh tử” của người chịu trách nhiệm cao nhất, của “vị tướng ngoài biên ải” Trần Văn Giàu. Trong tình hình khó khăn ấy, nhất là sự liên lạc với cơ quan đầu não tối cao của Trung ương ở Hà Nội không thông suốt, bằng khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của mình, đặc biệt là trách nhiệm trước lịch sử, nhân dân và đất nước, người đứng đầu ở Nam bộ khi ấy đã thể hiện xuất sắc trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình.

3. Hiện nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương đề cao việc lựa chọn, trọng dụng những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số chủ trương: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung...

Bài học mà Nam bộ kháng chiến để lại, nhất là vai trò của Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trần Văn Giàu đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần quật khởi, đồng lòng, đoàn kết toàn dân của ngày Nam bộ kháng chiến rất cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm