Sáng 21-11, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Nam bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.
Đến dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương, đã nhắc lại bối cảnh lịch sử năm 1945. Vào ngày 23-9-1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban kháng chiến Nam bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nam bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, đã thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
Theo ông Cương, 15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã tạo tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh lịch sử mới.
Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cũng theo ông Cương, dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch, song cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.
Với nội dung của hội thảo hôm nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương, cho rằng kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến Nam bộ. Qua đó, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang nói về ý nghĩa của Nam bộ kháng chiến. Ảnh: TÁ LÂM
Dành nhiều thời gian nói về ý nghĩa cuộc hội thảo khoa học lần này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang, cho rằng sự kiện Nam bộ kháng chiến là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập tự do. Đó còn là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam bộ; xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.
Theo ông Trần Lưu Quang, dù 75 năm đã trôi qua nhưng chiến công vang dội của quân và dân Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn sống mãi và ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.
Tiếp nối truyền thống đó, ông Trần Lưu Quang cho biết TP hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, TP đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.
Hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các cơ quan Trung ương, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, TP.HCM và các tỉnh thành… đề cập toàn diện, phong phú, sâu sắc xoay quanh những nội dung, vấn đề hội thảo đặt ra.