Kỷ niệm 77 năm Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2022):

“Mùa thu rồi ngày 23...” trong ký ức người đương thời

(PLO)- 77 năm đã trôi qua kể từ ngày 23-9-1945 nhưng ngày Nam bộ kháng chiến vẫn mãi được nhắc nhớ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Mùa thu rồi ngày 23/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”… Đó là lời bài hát Nam bộ kháng chiến (nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn) về ngày lịch sử 23-9-1945, khi quân dân Nam bộ mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp quay lại xâm lược.

Kẻ thù từ gây hấn tới nổ súng xâm lược

Trong hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945-1954), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định Phạm Văn Chiêu đã ghi lại những hành động gây hấn của thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh trước ngày 23-9: “Từ việc thực dân Pháp dám bắn vào đoàn biểu tình ở Sài Gòn, đường Taberd, đường Catina, đường d’Espagne (nay là các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi và Lê Thánh Tôn - NV) đến việc tên Cédille nhảy dù xuống Tây Ninh, đến việc tàu Richelieu từ ngoài khơi bắn pháo vào Nha Trang. Tất cả việc đó báo hiệu sự trở lại của thực dân Pháp hòng xâm chiếm nước ta một lần nữa, dưới sự đồng tình và che chở của quân Đồng minh, mà cụ thể là quân Anh”.

Báo Cứu quốc số 50, ra ngày 24-9-1945. Ảnh Tư liệu

Báo Cứu quốc số 50, ra ngày 24-9-1945. Ảnh Tư liệu

Báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27-9-1945. Ảnh Tư liệu

Báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27-9-1945. Ảnh Tư liệu

Báo Cứu Quốc số 51 (26-9-1945) trong bài Giặc Pháp lấy khí giới ở đâu? đã tố cáo quân đội Anh dung túng để Pháp kiều lấy 12 xe cam nhông vũ khí từ kho chứa súng đạn trên đường Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm); tước khí giới dân quân Nam bộ, tiến hành thiết quân luật… “3 giờ sáng Chủ nhật 23-9-1945, trong khi TP Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố”, bài Bọn thực dân Pháp đánh úp Sài Gòn của báo Cứu Quốc số 50 (24-9-1945). Báo Cờ Giải Phóng số 20 (27-9-1945) thì lên án: “Giặc Pháp đã chiếm một số công sở, xé cờ và biểu ngữ, giở thủ đoạn khủng bố dã man, bắt bớ dân chúng và các chiến sĩ Việt Minh”.

Trong hồi ký Anh, nguồn cảm hứng cao thượng của nhà cách mạng Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky ghi: “Tôi giựt mình tỉnh giấc giữa những tiếng chộn rộn hốt hoảng trong chung cư Dumortier về tin đêm qua quân Pháp tấn công ta. Đó là vào khoảng tờ mờ sáng 23-9-1945 ở Sài Gòn”. Theo hồi ký Việt Nam máu lửa ghi lại, với sự tấn công bất ngờ của quân Pháp, UBND Nam bộ, Sở Đoan (Hải quan), ngân hàng, Quốc gia tự vệ cuộc (Công an), bưu điện… bị đánh úp, chiếm đóng trong sáng hôm đó. “Quân Pháp toan vượt ra khỏi Sài Gòn bằng cầu Ông, cầu Kiệu và cầu Mac-Ma-hông đều bị quân ta đánh lui”, bài Cuộc giao chiến với Pháp ở Nam bộ trên báo Cứu Quốc số 51 thông tin.

“Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng” Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Thà chết tự do hơn sống nô lệ”

“Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã đứng lên quyết tử với giặc Pháp, được quân đồng minh Anh giúp sức”, nhà cách mạng Ngô Thị Huệ ghi trong hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh.

Theo Hồi ký 1925-1964 của Nguyễn Kỳ Nam, hoạt động “tiêu thổ kháng chiến” đã được thực hiện ngay sau đó tại Sài Gòn. Lực lượng của UBND Nam bộ rút dần khỏi Sài Gòn, ra “Tuyên cáo quốc dân”, tố cáo hành động xâm lược của thực dân Pháp, sự tiếp tay của quân Anh. Đồng thời lập Ủy ban Kháng chiến chuyên về quân sự, kêu gọi nhân dân bất hợp tác với giặc Pháp, triệt phá đường giao thông và bao vây quân Pháp.

Tại Hà Nội, ngày 24-9, Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp bàn về việc đối phó với quân Pháp. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc phá đường xe lửa và các đường sá để ngăn bước tiến của quân thù. Kêu gọi nhân dân chiến đấu chống Pháp. “Bản thông điệp” cũng được thảo và gửi Chính phủ, nhân dân Pháp lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp. Đồng thời, Hội đồng Chính phủ lâm thời ra Huấn lệnh gửi nhân dân Nam bộ thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng cùng nhân dân Nam bộ chống Pháp.

Bản hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên báo Cứu quốc số 54, ra ngày 29-9-1945. Ảnh Tư liệu

Bản hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên báo Cứu quốc số 54, ra ngày 29-9-1945. Ảnh Tư liệu

Huấn lệnh Chính phủ lâm thời gửi nhân dân Nam Bộ, đăng trên báo Cứu quốc số 50. Ảnh Tư liệu

Huấn lệnh Chính phủ lâm thời gửi nhân dân Nam Bộ, đăng trên báo Cứu quốc số 50. Ảnh Tư liệu

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo bản hiệu triệu gửi đồng bào Nam bộ thể hiện sự chung tay, đồng lòng của cả nước chống thực dân Pháp. Người gửi gắm: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Đồng thời, Người khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”.

Riêng tại Sài Gòn, theo Nguyễn Kỳ Nam: “Dân quân cách mạng tăng cường các cuộc tấn công, phá hoại nhà đèn Chợ Quán, đốt chợ Sài Gòn”, chợ búa không nhóm họp, xe cộ không đi lại… Trước sự phản ứng quyết liệt của ta, quân Pháp chỉ chiếm được vài khu phố còn ngoại ô bị ta bao vây.

Sài Gòn đã mở đầu ngày Nam bộ kháng chiến như thế với một lòng kiên quyết đuổi kẻ thù chung!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.