Phạt nguội người xả rác: Khó nhưng hiệu quả

Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị cho phép sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.

Nhiều trường hợp khó phạt

Cụ thể, Sở TN&MT đã đề xuất một số giải pháp như: Giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho Đội quản lý trật tự đô thị và Đội thanh tra xây dựng địa bàn. Đồng thời, cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng…

Theo chị Nguyễn Thanh Thúy (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM): “Camera theo dõi được 24/24 nhưng muốn xử phạt thì đòi hỏi camera phải chất lượng, ghi nhận rõ người vi phạm mới có thể làm cơ sở xử phạt”.

Cũng theo chị Thúy, nếu người vi phạm không sống ở địa phương, họ chỉ đi ngang qua và có hành vi xả rác bừa bãi thì cũng khó xác định rõ người để phạt. Hành vi xả rác khác với hành vi vi phạm giao thông. Vi phạm giao thông có thể thấy được biển số xe và dễ dàng tìm ra chủ xe để phạt. Còn người dân đi bộ hoặc đi xe đạp mà xả rác thì rất khó xử lý.

Đồng tình, anh Nguyễn Quang Hạnh (ngụ quận 12, TP.HCM) bày tỏ: “Chủ trương này là khá hay. Tuy nhiên, việc xử lý sẽ gặp không ít khó khăn vì cần thời gian để trích xuất camera, camera cũng cần phải chất lượng, rõ mặt người vi phạm mới có thể xử lý được. Ngoài ra, nhiều người thường chọn những khu vực vắng người hoặc chỗ khuất để xả rác”.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH TN&MT TP.HCM: Việc áp dụng camera để xử phạt người vi phạm xả rác là rất tốt. Hiện nay, việc vứt rác bừa bãi trên đường phố là không thể kiểm soát được và cũng không đủ người để kiểm soát.

Tuy nhiên, công tác này có thể sẽ gặp một vài khó khăn. Khó khăn ban đầu là kinh phí đầu tư trang thiết bị, bố trí thêm người cho việc này. Khó khăn tiếp theo có thể sẽ có tranh cãi nếu camera không xác định rõ. Ví dụ, trường hợp những khách vãng lai vi phạm tại địa phương nào đó thì cũng có thể sẽ gặp khó khăn khi xác định người vi phạm.

“Vì vậy, ban đầu sẽ không phạt được nhiều nhưng có thể làm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó góp phần vào việc bảo vệ môi trường” - PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm.

Sở TN&MT đề xuất trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để xử phạt nguội người xả rác sai quy định. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Cột mốc để bỏ thói quen xấu

Để người dân thay đổi một thói quen xấu, nhiều ý kiến cho rằng nên đánh vào mặt tài chính. Người vi phạm bị phạt 1-2 lần thì nhất định họ sẽ nhớ và không tái phạm. Từ đó hình thành được thói quen tốt cho người dân.

Anh Nguyễn Quốc Huy (ngụ quận 4, TP.HCM) cho hay: “Tôi rất ủng hộ quy định này, cần có quy định phạt rõ ràng và phạt thật nặng thì nhiều tuyến đường sẽ không còn rác nữa. Đụng đến tài chính thì ai cũng sẽ tự có ý thức. Tuy nhiên, nếu muốn có hiệu quả thì chính quyền địa phương cần làm mạnh và liên tục”.

Hiện nay, lực lượng phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến môi trường rất mỏng. Vì vậy, nếu các phường được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt là rất hợp lý.

Ngoài việc trích xuất camera để làm căn cứ xử phạt thì cũng có thể sử dụng hình ảnh (điển hình như ảnh chụp) để xử lý. Với những giải pháp này, dần dần người dân sẽ hình thành được ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường.

Ông NGUYỄN THANH SƠNPhó Giám đốc Công ty TNHH MTV 
Môi trường đô thị TP.HCM
 

Dẫn chứng, anh Huy cho rằng hiệu quả từ Nghị định 100/2019 liên quan đến việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông và thực tế cho thấy nhiều người đã thay đổi ý thức. Theo đó, chỉ cần làm mạnh tay thì việc phạt nguội xả rác bừa bãi cũng có hiệu quả tương tự.

Một trong những địa phương đã gắn camera theo dõi hành vi xả rác không đúng quy định là phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch UBND phường này, cho biết phường đã lắp đặt nhiều camera nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo ông Phước, trước đây nhiều người dân trên địa bàn phường xả rác không đúng nơi quy định, phường cũng đã kịp thời nhắc nhở, từ đó người dân nhận thức được và thay đổi.

“Phường đã gắn thêm camera tại những điểm mà người dân hay xả rác. Đến nay phường đã xử lý được một số trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định. Hiệu quả cho thấy trên địa bàn phường hiện không còn những điểm đen về rác” - ông Phước thông tin.

Cần quyết liệt để có hiệu quả

Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay TP đã có sẵn mạng lưới công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo quy định thì cơ quan địa phương (UBND phường/xã, quận/huyện) chưa thể xử phạt trực tiếp đối với hành vi vi phạm được phát hiện từ camera. Đó cũng là khó khăn cho công tác quản lý và xử lý kịp thời hành vi vi phạm (trừ trường hợp địa phương đảm bảo điều kiện về nhân lực và thiết bị theo Nghị định 165/2013).

Để phát huy vai trò, sự chủ động của cơ quan địa phương và phù hợp với tính đặc thù của hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng, Sở TN&MT và một số cơ quan đã thống nhất việc đề xuất cơ quan địa phương có thể thực hiện xử phạt bằng hình thức gián tiếp thông qua hình ảnh trích xuất từ camera.

Để có hiệu quả thì cần có sự quyết liệt của các cơ quan địa phương, chỉ đạo thống nhất từ cấp quận/huyện, phường/xã trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm