Phạt nhẹ người gây rối?

Dù tội gây rối không có hình phạt cảnh cáo nhưng theo quy định, tòa vẫn có thể áp dụng hình phạt này.

Theo hồ sơ, khuya 23-6, nhóm của bị cáo Nguyễn Đức Vân và nhóm của bị cáo Đặng Phi Trường mâu thuẫn nhau tại một quán karaoke. Vân nghe ai đó nói sau lưng mình rằng: “Tụi bay đông mà nhát” nên quay ra sau đánh một người trong nhóm Trường bị thương tật 1%. Trường thấy hỗn loạn đã rút dao bấm ra đâm loạn xạ làm một người chết, hai người bị thương.

Sẽ kháng nghị phạt nặng

Giữa tháng 9 vừa qua, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trường tù chung thân về tội giết người và tội cố ý gây thương tích. Bị cáo Vân thì bị tòa phạt cảnh cáo về tội gây rối trật tự công cộng. HĐXX nhận định bị cáo Vân phạm tội ở trường hợp ít nghiêm trọng, mới phạm tội lần đầu, không tiền án, tiền sự, lại đang là sinh viên… nên tòa chỉ phạt cảnh cáo cũng đủ răn đe, giáo dục nhằm tạo điều kiện cho bị cáo làm lại từ đầu.

Phạt nhẹ người gây rối? ảnh 1

Về phần hình phạt này đối với bị cáo Vân, sau khi tòa tuyên án, phía VKS cho biết sẽ kháng nghị. Viện cho rằng đã truy tố Vân theo khoản 1 Điều 245 BLHS. Điều khoản này nêu rõ: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”. Phần luận tội, viện đề nghị phạt bị cáo tù treo nhưng tòa lại phạt mức án trên là chưa thỏa đáng.

Chỉ cần phạt hành chính

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét, bị cáo Vân gây thương tích cho người bị hại 1% (gây hậu quả ít nghiêm trọng); bị cáo không tiền án, tiền sự; chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này cũng như chưa bị kết án về tội này thì nhìn về mặt khách quan có thể thấy hành vi của bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh trên. Trường hợp này ngay ban đầu chỉ cần xử phạt hành chính là đủ.

Luật sư Trần Minh San (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm để truy tố về tội gây rối thì cần xác định hậu quả xảy ra phải nghiêm trọng. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo chỉ là gây xáo động nơi công cộng, hậu quả xảy ra thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nhân thân tốt nên không có cơ sở nào để truy cứu trách nhiệm hình sự. “Còn nếu tòa nhận định bị cáo phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì tốt hơn nên trả hồ sơ để viện đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án đối với Vân” - luật sư San nói.

Được quyền phạt cảnh cáo

Trong vụ án này, tòa phạt cảnh cáo đối với Vân. Đây là một hình phạt không được quy định trong tội gây rối trật tự công cộng. Tòa xử vậy đúng hay sai? Quy định của BLHS về chuyện này ra sao?

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Trí (Phó Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM) và luật sư Lương Tống Thi (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang), Điều 47 BLHS quy định: Khi bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của bộ luật này, tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật thì tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Như vậy, tòa hoàn toàn có thể chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn khi xử dưới khung dù hình phạt đó không được quy định cụ thể trong điều luật. Trong vụ án này, tòa phạt cảnh cáo đối với bị cáo Vân là không sai với quy định.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm