Để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
“Hộ chiếu mới” cho nhiều thị trường xuất khẩu
Trên toàn cầu, xu hướng tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến và không còn là thị trường ngách như trước đây, trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Từ đó, tạo nên luật chơi mới trong thương mại toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi.
Tại Châu Âu – một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các kế hoạch thương mại nhằm trung hòa khí hậu như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030… đã tạo nên những yêu cầu mới về tính bền vững, đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Các tiêu chuẩn xanh, bền vững trở thành một phần của thói quen mua sắm tại nhiều quốc gia. (Ảnh: Freepik) |
Ở chiều ngược lại, bên cạnh thách thức, các quy định về phát triển bền vững như tái sử dụng, tái chế, tiết kiệm năng lượng… đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp Việt. Đơn cử 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ luật chơi mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm thực thi các hiệp định mà còn giúp hàng hóa Việt Nam rộng đường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi thuế của quốc gia nhập khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”.
Doanh nghiệp Việt với bài toán xuất khẩu “xanh”
Hiện nay, Vinamilk đã xuất khẩu hàng loạt sản phẩm đa dạng đến gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm những cường quốc có yêu cầu xuất khẩu cao như Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Úc… Vừa qua, thương hiệu này cũng được đánh giá thuộc Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu và dẫn đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, điểm nhận thức về tính bền vững của Vinamilk được đánh giá cao nhất, vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành sữa thế giới.
Bên cạnh xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2015, FSSC 22000, BRC, ISO 17025, Halal, Organic EU, Organic China…, Vinamilk đã hoàn thành các báo cáo kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng… Doanh nghiệp hiện cũng đẩy nhanh tiến trình Net Zero với các nhà máy, trang trại đầu tiên đạt trung hòa Carbon, là khía cạnh đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm.
Lấy ví dụ, đối với thị trường New Zealand, Vinamilk đang thực hiện cung cấp sản phẩm với những yêu cầu về “tính xanh, bền vững” như không có ống hút nhựa, nắp nhựa theo thỏa thuận giảm rác thải nhựa ra môi trường. Các sản phẩm “xanh” này cũng được các đối tác tại thị trường Úc quan tâm và đang triển khai kế hoạch nhập khẩu trong năm 2024.
Hay như sản phẩm sữa chua uống men sống (130ml) đã được Vinamilk chuyển đổi sang bao bì với vật liệu thân thiện môi trường và sẵn sàng cung cấp cho thị trường xuất khẩu, đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cho các dòng sản phẩm khác. Vinamilk và các đối tác xuất khẩu dự kiến từ 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang Úc và New Zealand đều sử dụng bao bì từ các vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường...
Sản phẩm sữa chua uống men sống được Vinamilk phát triển cho thị trường New Zealand đáp ứng các yêu cầu về “tính xanh, bền vững”. |
Chia sẻ về định hướng kinh doanh quốc tế của Vinamilk, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk, cho biết: “Hiện nay hầu hết các đối tác của chúng tôi ở các nhóm thị trường phát triển đã đề cập về các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững. Vinamilk đã và đang tiếp tục chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới”.
Phát triển bền vững, “thỏi nam châm” thu hút người tiêu dùng thế hệ mới
Ở một góc nhìn khác, bên cạnh giúp sản phẩm vượt qua những “hàng rào xanh” để nhập khẩu vào thị trường, cũng cần hiểu “xanh”, “bền vững” là các tiêu chí quan trọng được người tiêu dùng ngày càng quan tâm khi quyết định chọn mua.
Một khảo sát về hành vi tiêu dùng của KPMG trên 11 quốc gia cho thấy 64% người tiêu dùng muốn hiểu được các ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm trước khi thực hiện hành vi mua sắm, 86% người tiêu dùng muốn được sử dụng các sản phẩm có khả năng tái sử dụng, tái chế tốt hơn.
Xu hướng này không chỉ phổ biến tại các quốc gia phát triển mà tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam được KPMG công bố cho thấy, có tới 93% khách hàng tại Việt Nam sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG. Do đó, sự chuyển đổi này là tất yếu và việc tăng cường tư duy, sản xuất theo định hướng phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt khai thác hiệu quả hơn lợi thế cho các sản phẩm xuất khẩu và qua đó, nâng cao giá trị cho sản phẩm lẫn thương hiệu.