Sáng 19-8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi về công nghệ
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc xây dựng và phát triển chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”. Các bộ, địa phương, cơ quan cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. “Trong thời gian tới, công chức, viên chức nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ” - Thủ tướng nói.
Về cổng dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng đề nghị cần hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. “Thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng nói.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Nghi thức khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP
Tiết kiệm thời gian, tăng chính xác thông tin
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm bước đầu đã xây dựng được bảy chuyên mục thông tin (tin hằng ngày, vấn đề tiêu điểm, chỉ số quốc tế, thông tin kinh tế - xã hội...) và 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực giúp tiết kiệm chi phí khi vận hành 460 tỉ đồng/năm.
Theo ông Mai Tiến Dũng, các số liệu báo cáo chỉ đạo điều hành, số liệu tổng hợp, phân tích, dự báo, số liệu theo thời gian thực sẽ được cập nhật, thu nhận từ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, được phân tích và hiển thị trực quan trên màn hình dưới các dạng biểu đồ, đồ thị. Từ đó, hỗ trợ đắc lực cho quá trình ban hành quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng và lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
“Những “con số biết nói” cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo thông tin, dữ liệu báo cáo, giúp lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát, đo lường hoạt động của cơ quan mình, đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống” - ông Dũng nói.
Hơn 58 triệu lượt truy cập cổng dịch vụ công Tính đến ngày 18-8, cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng dịch vụ công này. Tính trung bình mỗi ngày làm việc cổng dịch vụ công tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được là khoảng 6.722 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, sau hơn tám tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp tám dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9-12-2019), đến nay đã có 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia. |