Thời gian gần đây, tại thị trường trong nước, các chương trình khuyến mãi, giảm giá với quy mô lớn được tổ chức thường xuyên. Đây là một trong kênh phù hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng hóa ra thị trường, kích thích sức mua. Tuy vậy sức mua nhìn chung vẫn chưa khởi sắc
Chủ yếu tập trung mua sắm nhóm hàng thực phẩm thiết yếu
Ở vai trò nhà phân phối, bà Huỳnh Bích Thủy, Giám đốc phòng giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op cho biết, đơn vị cũng như các nhà bán lẻ khác thường xuyên tung các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, xu hướng người dân chủ yếu tập trung mua sắm nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, thực tươi sống là chính.
Đối với nhóm hàng “Non-food” đang bị chậm dần, dẫn đến các DN trong nước dè chừng sản xuất ra sản phẩm mới. Đặc biệt, nhóm hàng này còn bị cạnh tranh rất lớn với hàng online Trung Quốc. Do đó, nhà nước cần quan tâm hỗ trợ cho nhóm ngành hàng này.
Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Satra cũng nhìn nhận rằng, từ giỏ hàng mua sắm của người dân qua các hệ thống bán lẻ của Satra cho thấy sức mua trong sáu tháng đầu năm chưa khởi sắc. Thời gian gần đây người dân vẫn tập trung mua sắm vào nhóm hàng thiết yếu hàng ngày, thực phẩm.
Trước thực tế trên, các DN bán lẻ trên địa bàn TP.HCM thường triển khai chương trình khuyến mãi riêng và tham gia chương trình khuyến mãi tập trung. Đối với chương trình khuyến mãi tập trung, ông đề xuất thời gian ngắn lại nhưng làm rầm rộ và đồng loạt sẽ hiệu quả thu hút sự chú ý mua sắm của người dân.
Ngoài ra, ông Sơn nhận định, các DN bán lẻ trong năm 2023, 2024 vẫn còn khó khăn. Trong bối cảnh thị trường biến động, sức mua giảm thì các chính sách vĩ mô cần có độ trễ nhất định, nếu không DN sẽ khó vượt qua.
Chẳng hạn, thông tin từ đầu năm 2026 giá thuê đất có thể sẽ tăng (theo Luật đất đai 2024-pv). Là đơn vị đi thuê mặt bằng siêu thị có thể thỏa thuận và giữ giá nhưng từ năm 2026 chắc chắn giá sẽ tăng đột biến. Điều này gây không ít khó khăn cho các DN.
“Với chính sách như hỗ trợ 10% tiền điện, chi phí thuê kho…rất ý nghĩa, nhưng nên chăng cơ quan Nhà nước cần giới thiệu các nhà cung cấp dịch vụ logictics để siêu thị tự kết nối”- ông Sơn nói.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại "Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là 13%-13,5%/năm.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm, sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước.
Trước bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đang xây dựng dự thảo đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước”.
Theo Dự thảo đề án, để kích thích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo cần triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp, giải pháp trước mắt, cấp bách là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng…
Theo cơ quan soạn thảo, do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN trong nước gặp khó khăn, thu nhập của người lao động giảm đáng kể nên gói kích cầu tiêu dùng cần được đến trực tiếp với đối tượng cần được hỗ trợ là công nhân, những người thu nhập thấp.
Qua đó, kích thích tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, kích cầu chung cho các DN phân phối bán lẻ; lại hàng hóa được mua là hàng công nghiệp tiêu dùng được sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, đề án đưa ra giải pháp hỗ trợ cho các DN phân phối gồm hỗ trợ 10% kinh phí thuê kho, chi phí tiền điện, chi phí vận chuyển…
Về giải pháp dài hạn, hỗ trợ cho từng DN sản xuất, phân phối thông qua các chính sách như hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ về tài chính (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm thuế cho DN trong lĩnh vực bán lẻ) …
Khuyến mãi thực chất để khuyến khích người dân tăng tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá, đề xuất phát voucher mua hàng cho người lao động trong dự thảo đề án kích cầu tiêu dùng nội địa rất thiết thực. Giải pháp này có thể góp phần hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ hàng hóa, phục hồi sản xuất, tăng trưởng nền kinh tế.
Bởi nếu phát một voucher cho người lao động, họ mua sắm gấp hai ba lần thì Nhà nước thu về được thuế VAT, hàng hóa tồn kho của DN được giải phóng. Sức mua tăng, DN mạnh dạn cải tiến đầu tư tạo công ăn việc làm cho người lao động, họ có thêm thu nhập sẽ tiếp tục chi tiêu. Hơn nữa khi làm ăn có lời DN sẽ đóng thuế thu nhập sẽ về ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phân tích đánh giá hiệu quả để đề án cho thuyết phục hơn. Chẳng hạn, cần có tiêu chí đối tượng thụ hưởng, mỗi người lao động được phát một hay hai voucher mua hàng…Từ đó đề ra gói ngân sách cụ thể hỗ trợ nhóm người lao động và DN cho phù hợp.
"Khi xây dựng chính sách, gói hỗ trợ cần phân tích kỹ càng, nếu không dẫn đến bất công, phản tác dụng, khó khả thi"- TS Điền lưu ý.
Từ sau dịch đến nay, người dân thắt chặt chi tiêu trong khi vẫn có nhu cầu. Đáng chú ý những tháng cuối năm, nhất là dịp tết sắp đến Nhà nước cần tạo ra những gói cho vay tiêu dùng lãi suất thấp. Theo đó, người dân có thể trả qua lương cũng là giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.
TS Huỳnh Thanh Điền
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để thúc đẩy tăng trưởng có ba động lực quan trọng là xuất khẩu, đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Thời gian qua theo báo cáo của Bộ Công thương về mức lưu chuyển hàng hóa cho thấy không biến động nhiều, nhưng trong bối cảnh hiện nay có chiều hướng giảm. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển thị trường trong nước phải kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, đối với hình thức tặng voucher cách phát thế nào, xét duyệt ra sao... dễ xảy ra cơ chế xin cho, dẫn đến sự không công bằng. Do đó, có khả năng giải pháp này khó thuyết phục, không hiệu quả đồng thời gây ra bất cập tiêu cực.
"Trong kích cầu tiêu dùng cách tốt nhất là Nhà nước tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, khuyến khích tạo cơ hội cho DN phát triển tốt thông qua các chính sách thuế, tín dụng... Quan trọng là khuyến mãi thực chất để khuyến khích người dân tăng tiêu dùng" - chuyên gia Long nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27-8 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi trên phạm vi vùng và toàn quốc. Phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Hỗ trợ DN Việt kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và DN lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.