6 tháng, Trung Quốc chi hơn 1 tỉ USD mua sầu riêng Việt Nam

(PLO)-Sáu tháng đầu năm 2024, thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên 32,81%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, sáu tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 833,67 ngàn tấn, trị giá gần 3,97 tỉ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc đạt 558,3 ngàn tấn, trị giá 2,85 tỉ USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần sầu riêng của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 76,21% trong sáu tháng đầu năm 2023, giảm còn 66,97% trong sáu tháng đầu năm nay.

sầu riêng Việt Nam
Người tiêu dùng mua sầu riêng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngược lại, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 273,54 ngàn tấn, trị giá 1,11 tỉ USD tăng 46,3% về lượng và tăng 33,3% về trị giá.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 23,73% trong sáu tháng đầu năm ngoái, tăng lên 32,81% trong sáu tháng đầu năm 2024.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam có lợi thế nguồn cung, sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng một số nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ.

Bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành rau quả Việt Nam cần sớm khắc phục nhược điểm về chất lượng sản phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung và các vấn đề liên quan tới chất lượng. Sầu riêng được trồng tại một số vùng có thổ nhưỡng không phù hợp dẫn tới chất lượng kém, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp giám sát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung…

Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam, số lượng cảnh báo tồn dư chất cấm, kháng sinh trong nông sản của Việt Nam xuất sang Châu Âu (EU) tăng hơn 80% trong nửa đầu năm.

Diễn biến bất thường này cảnh báo các doanh nghiệp Việt phải tự kiểm soát nghiêm yêu cầu an toàn thực phẩm (ATTP).

Hiện tại, bốn mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).

Tình trạng không đảm bảo vệ sinh ATTP, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… vẫn còn là nút thắt lớn.

Tuy nhiên, các chế tài xử phạt vi phạm về ATTP, an toàn sinh học của EU ngày càng nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các quy định của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sẽ làm giảm uy tín chung của nông sản Việt Nam tại thị trường EU cũng như thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm