Đây là nội dung dự thảo quy định chi tiết về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến.
Theo đó, quy định người lái máy bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam có giấy phép lái máy bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp với kiểu loại máy bay phù hợp với chuyến bay dự kiến thực hiện.
Cụ thể, người lái có tổng số giờ bay tích lũy tối thiểu là 5.000 giờ đối với lái chính (1.500 giờ ở vị trí lái chính) và 3.000 giờ đối với lái phụ trong trường hợp loại máy bay có thời gian chuyến bay trung bình lớn hơn 2 giờ.
Đối với loại máy bay có thời gian chuyến bay trung bình nhỏ hơn 2 giờ thì yêu cầu người lái có thời gian bay tích lũy 4.000 giờ đối với lái chính (1.000 giờ ở vị trí lái chính) và 2.000 giờ đối với lái phụ.
Dự thảo có các yêu cầu rất cụ thể cho từng vị trí trên chuyên cơ. Ảnh: P.ĐIỀN
Đối với loại máy bay mới, trong thời gian một năm kể từ khi đưa vào khai thác, trường hợp có yêu cầu thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, người khai thác máy bay có trách nhiệm đánh giá năng lực người lái trên cơ sở đã đáp ứng tổng số giờ bay tích lũy và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để giám sát...
Đối với người lái máy bay có quốc tịch nước ngoài, đã có hợp đồng lao động với hãng hàng không của Việt Nam thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam tối thiểu là 24 tháng tính đến thời điểm xét chọn để phục vụ bay chuyên cơ của Việt Nam.
Trường hợp đặc biệt có yêu cầu sử dụng loại máy bay mới được khai thác tại Việt Nam chưa quá 24 tháng, có thể sử dụng người lái có thời hạn hợp đồng tối thiểu là ba tháng.
Đối với tiếp viên phục vụ trên máy bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam thì phải có giấy phép thành viên tổ bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp với kiểu loại máy bay và năng định phù hợp với chuyến bay; có tổng thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên từ 700 giờ trở lên; có tổng thời gian tích lũy nghiệp vụ tiếp viên trên loại máy bay thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam từ 100 giờ trở lên.